Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012, quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm công cộng... Tuy nhiên, từ khi Luật có hiệu lực, hành vi hút thuốc tại khu vực công cộng chưa được điều chỉnh triệt để. Nhiều người thậm chí hút thuốc tại các điểm rất nhạy cảm với khói thuốc như khuôn viên bệnh viện, bến xe.
Một người đàn ông hút thuốc trong khuôn viên Bệnh viện Lê Lợi. |
Trong khuôn viên Bệnh viện Lê Lợi, từ hành lang, các khu khám, điều trị bệnh, lối lên cầu thang… đều có biển cấm hút thuốc lá. Tuy nhiên, nhiều người khi đến đây phớt lờ lệnh cấm.
Chiều 3/6, tại Phòng khám ngoại của Bệnh viện Lê Lợi, có 8 người, gồm cả phụ nữ và trẻ em đang chờ khám, nhưng cùng lúc đó, có tới 4 người đàn ông vô tư hút thuốc ngay tại khu vực chờ. Khi chúng tôi nhắc nhở, người đàn ông chừng 50 tuổi nhanh chóng dụi tắt thuốc và phân bua: “Tôi biết hút thuốc là sai nhưng do nghiện quá. Ngồi chờ đến lượt khám lâu nên rất thèm”.
Tương tự, đến Bến xe Vũng Tàu, chúng tôi cũng không khó bắt gặp hình ảnh nhiều người hút thuốc ở khu vực hành khách ngồi chờ lên xe. Cuối tuần, có mặt tại đây chừng 10 phút, chúng tôi thấy trong số 7 người (tài xế và hành khách đi xe), có tới 3 người nhả khói thuốc liên tục.
Sau khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có quy định cụ thể hình thức xử phạt vi phạm phòng, chống tác hại thuốc lá. Điều 23 nêu rõ: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Nhưng việc xử phạt theo Nghị định 176 hầu như không thực hiện được.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, phụ trách Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Lê Lợi) cho biết: “Khi bắt gặp các trường hợp hút thuốc trong bệnh viện, chúng tôi chủ yếu nhắc nhở. Bệnh viện cũng không thể kiểm tra hay giám sát tình trạng hút thuốc tại bệnh viện vì mỗi ngày tiếp nhận hàng ngàn bệnh nhân đến khám và điều trị. Về xử phạt, chúng tôi rõ ràng không có thẩm quyền xử phạt”, bác sĩ Dũng nói thêm.
Theo quy định tại Điều 32 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, cơ quan, trường học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh do UBND các cấp thực hiện. Điều này càng khó thực thi, bởi hành vi hút thuốc lá diễn ra trong chốc lát, rất khó cho lực lượng của UBND các cấp phát hiện và xử lý. Chưa kể, lực lượng của UBND các cấp đang phải gánh vác nhiệm vụ chuyên môn rất nặng nề.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lên, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh khẳng định, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định xử phạt về hành vi hút thuốc lá nơi công cộng ít nhiều đã làm thay đổi tích cực nhận thức của người hút. Tuy nhiên, điểm bất cập lớn nhất là quy trình xử phạt các trường hợp hút thuốc chưa sát với tình hình thực tế. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt.
“Trước mắt, chúng tôi đẩy mạnh truyền thông để loại bỏ thói quen hút thuốc và hành vi hút thuốc ở những địa điểm công cộng”, bác sĩ Nguyễn Văn Lên nói thêm.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM