Phát hiện sớm, bệnh ung thư không đáng ngại

Thứ Năm, 25/06/2020, 20:50 [GMT+7]
In bài này
.

Theo GS.BS, Anh hùng Lao động Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viên Ung bướu TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, bệnh ung thư có thể phòng ngừa được và nếu phát hiện sớm, cơ hội chữa khỏi bệnh rất cao.  

Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các loại bệnh, trong đó có bệnh ung thư. Trong ảnh: Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Châu Đức nội soi dạ dày cho bệnh nhân (ảnh minh họa).
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các loại bệnh, trong đó có bệnh ung thư. Trong ảnh: Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Châu Đức nội soi dạ dày cho bệnh nhân (ảnh minh họa).

Cách đây 3 năm, ông N.V.T., (65 tuổi), ở phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu) thường xuyên đau bụng, tiêu chảy liên tục gần 1 tuần. Nghĩ bệnh đau bụng thông thường, ông đi khám tại bệnh viện gần nhà và được cho thuốc uống nhưng tình trạng tiêu chảy vẫn không bớt. Sau đó, ông lên Bệnh viện ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh khám và xét nghiệm. Ông được chẩn đoán ung thư đại tràng giai đoạn đầu, khối u nhỏ, chưa di căn sang các cơ quan khác. Ngay lập tức, ông được nhập viện phẫu thuật và tiến hành hóa trị trong 8 tháng (mỗi tháng 1 lần). Nhờ được phát hiện và điều trị sớm nên đến nay ông đã khỏi bệnh. “Hết liệu trình trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ, cứ 3-6 tháng, tôi lại đến Bệnh viện ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh để kiểm tra sức khỏe một lần. Bác sĩ nói trong cơ thể tôi không còn tế bào ưng thư, sức khỏe ổn định. Tôi mừng như mình được sinh ra một lần nữa”, ông T. phấn khởi cho biết.

Từ trường hợp của ông T. cho thấy, nếu phát hiện ung thư sớm vẫn có thể chữa khỏi. Đấy cũng là khẳng định của GS.BS Nguyến Chấn Hùng tại hội thảo “Tầm soát ung thư” do Bệnh viện Lê Lợi tổ chức vào ngày 20/6. Theo ông, có nhiều nguyên nhân gây ra các loại ung thư như: Sóng điện từ, nhiệt, khói thuốc lá, bia rượu, môi trường, stress… Vì vậy, mỗi người cần thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát để phát hiện sớm bệnh ung thư. “Mỗi người nên kiểm tra sức khỏe toàn diện định kỳ, trong đó có rà tìm ung thư. Tần suất khoảng 3 năm một lần ở lứa tuổi 20-40 và hằng năm từ 40 tuổi trở lên”, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng lưu ý.

Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, phụ nữ cần tầm soát ung thư vú và cổ tử cung. Đàn ông trên 40 tuổi nghiện thuốc lá nặng hoặc đã bỏ hút cần rà tìm ung thư phổi, người ở độ tuổi từ 50 rà tìm ung thư tuyến tiền liệt. Những người có nguy cơ cao (viêm gan B, C) từ 40 tuổi nên kiểm tra rà tìm ung thư gan. Người có bệnh sử viêm loét dạ dày có thể xét nghiệm tìm vi khuẩn HP để có hướng xử lý thích hợp. Từ 50 tuổi, nếu có điều kiện nên rà tìm ung thư ruột già (đại - trực tràng). 

Hiện nay, có hơn 100 loại ung thư. Mỗi loại có triệu chứng riêng, nhưng giữa chúng vẫn có những dấu hiệu báo động chung như: rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy, vết sùi loét không lành, chảy máu bất thường, ăn không tiêu, khó nuốt, ho dai dẳng hoặc khàn tiếng, suy nhược, sụt cân… Đây là những triệu chứng cho thấy bệnh ung thư mới chớm. Do đó, người bệnh cần phải đi khám sớm và kỹ. Tùy theo độ tuổi, sức khỏe, loại bệnh ung thư, giai đoạn của bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn và lựa chọn cách điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Dinh dưỡng cho người bệnh cũng rất quan trọng. Do vậy, cần kết hợp giữa điều trị và chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau điều trị nhằm tăng cường thể lực cho người bệnh. Trước điều trị, bệnh nhân nên ăn các loại thức ăn có độ đạm cao như: cá, thịt, sữa, chất bột, trái cây và rau tươi. Trong điều trị, bệnh nhân nên uống nhiều nước, thức ăn lỏng, ăn trái cây, rau luộc, thức ăn có chất đạm. Sau điều trị, bệnh nhân cần phải tái khám đều đặn tại bệnh viện, tiếp tục có chế độ ăn uống hợp lý, tập những động tác thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hay yoga.

Các bác sĩ coi phần lớn ung thư trị khỏi hoàn toàn khi không tái phát sau 5 năm. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể tái phát sau 5 năm kể từ khi được chữa khỏi. Trong trường hợp phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung thì có 90% điều trị trị tốt, ung thư tuyến giáp có gần 95% điều trị khỏi... Thậm chí, với căn bệnh trễ, nếu biết tận dụng phương pháp điều trị tốt cũng làm nhẹ bệnh. 

Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe, người dân cần phòng ngừa nguy cơ gây bệnh bằng việc tránh xa khói thuốc, uống ít rượu bia, ăn lành uống sạch, ngủ đủ giấc, tập thể dục đều và giữ cân nặng vừa phải… “Bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm vẫn có thể chữa lành. Bệnh không lây lan, cũng không truyền nhiễm. Chỉ có khoảng 5-10% trường hợp ung thư có mối liên hệ gia đình và gia tộc”, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng thông tin thêm.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.