Phải "tuýt còi"
- Tui nhìn rõ mặt bệnh nhân phi công người Anh (bệnh nhân 91) rồi nha! Rất đẹp trai!
- Sao ông biết?
- Thì báo đăng!
- Báo nào mà đăng cha nội? Ông có nhớ hôm bữa ông hỏi tui vì sao khi đưa tin diễn tiến bệnh tình của viên phi công người Anh, nhiều báo đài lại che mờ khuôn mặt của anh ấy không?
- Nhớ. Ông giải thích báo chí làm như vậy là tôn trọng quyền hình ảnh cá nhân của mỗi người.
- Tui còn nói cơ quan truyền thông nào tự tiện sử dụng hình ảnh người khác mà không có sự đồng ý của nhân vật không chỉ là sự thiếu tôn trọng mà còn xâm phạm đến quyền sử dụng hình ảnh của người đó. Cho nên các nhà báo khi đưa tin có kèm hình ảnh của cá nhân khác phải hết sức thận trọng. Không hiểu ông coi hình ảnh ở báo nào?
- Tui coi trên mạng. Trong khi nhiều báo đài khi đưa tin về bệnh nhân 91, đều dùng kỹ thuật làm nhòe đi khuôn mặt của ông ấy thì trang tin điện tử này chỉ “che” đôi mắt, mà cũng che cho có lệ…
- Mấy trang mạng thì nói làm gì. Đó đâu phải là báo chí chính thống.
- Vậy hả? Ông không giải thích tui cũng không biết đâu nghen.
- Đã có quy định phải che mặt nạn nhân trẻ em khi đăng tải thông tin. Vậy mà mấy trang mạng biến tướng, hoạt động sản xuất tin bài như cơ quan báo chí còn “quên” che mặt hoặc che chiếu lệ mặt các nạn nhân nữa là.
- Chuyện này phải “tuýt còi”!
SÁU BẾN ĐÌNH