NHỮNG NGÔI TRƯỜNG ĐẶC BIỆT

Vừa dạy học vừa lưu giữ bản sắc văn hóa

Thứ Ba, 02/06/2020, 23:56 [GMT+7]
In bài này
.

Từ khi thành lập (năm 1993) đến nay, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh đã trở thành mái nhà chung của bao thế hệ HS người đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh việc truyền dạy kiến thức cho HS ở các bộ môn văn hóa theo chương trình phổ thông, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Ngoài giờ học văn hóa, các em HS Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh còn tham gia CLB Múa hát tiếng dân tộc. Trong ảnh: Một tiết mục biểu diễn văn nghệ của HS Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.
Ngoài giờ học văn hóa, các em HS Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh còn tham gia CLB Múa hát tiếng dân tộc. Trong ảnh: Một tiết mục biểu diễn văn nghệ của HS Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.

Thầy Đào Văn Phước, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh đã gắn bó với mái trường này từ khi thành lập đến nay. Thầy Phước kể, ban đầu, trụ sở trường đặt ở phường Long Toàn (TP. Bà Rịa hiện nay). Đến năm 2000, trường được xây mới ở xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức như ngày nay. Trường tuyển sinh từ lớp 6 đến 12 theo hình thức xét tuyển, dành cho đối tượng là con em các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Những ngày mới hoạt động, công tác tuyển sinh của trường gặp nhiều khó khăn. Thầy Phước phải trực tiếp đến từng thôn, từng hộ gia đình đồng bào dân tộc, thậm chí là ngủ lại nhà dân để vận động, thuyết phục phụ huynh cho con em đến trường. 

Hiện nay, trường có 353 HS từ lớp 6 đến 12. Nhờ sự cố gắng của nhà trường trong công tác dạy chữ rèn người, đến nay, nhiều cựu HS của trường đã trưởng thành và có những đóng góp cho xã hội, cho địa phương. 

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy, cung cấp kiến thức các bộ môn văn hóa cho HS, nhà trường còn chú trọng tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp HS lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc Châu Ro.

Thầy Mai Văn Đức, Bí thư Đoàn trường cho hay, hàng năm Đoàn trường tổ chức các hội thi như: nam thanh nữ tú, cặp đôi hoàn hảo… cho HS. Trong những hội thi này, Đoàn trường yêu cầu thí sinh mang trang phục dân tộc và biểu diễn tiết mục văn nghệ mang bản sắc của dân tộc mình. Vào ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đoàn trường tổ chức hội trại. Hội trại diễn ra với các hoạt động thi ẩm thực, trò chơi dân gian và đều liên quan đến gìn giữ và phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc. “Thông qua những hoạt động này, Đoàn trường mong muốn giúp HS đồng bào dân tộc tự tìm hiểu và hiểu hơn về đời sống, văn hóa, phong tục truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, các em càng thêm tự hào, có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình”, thầy Đức cho hay. 

Ngoài ra, trường còn có CLB múa hát dân tộc với gần 30 thành viên, trong đó chủ yếu là HS. CLB sinh hoạt vào chiều thứ Tư hàng tuần. Nội dung các buổi sinh hoạt văn nghệ là dựng lại các điệu múa theo bài hát của đồng bào dân tộc. CLB cũng thường xuyên tham gia biểu diễn trong các ngày lễ, kỷ niệm tại trường, lễ hội ở Nhà Văn hóa dân tộc Bàu Chinh và các chương trình văn hóa-văn nghệ khác trên địa bàn tỉnh. Thầy Đào Văn Phước còn dịch một số bài hát tiếng Việt sang tiếng Châu Ro để giảng dạy cho HS, trong đó có những bài nổi tiếng như: Nổi trống lên các bạn ơi, Tiếng gọi cội nguồn, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Bài ca nhớ Bác… giúp HS cảm nhận những nét đẹp về dân ca dân tộc. 

“Chúng tôi mong muốn được đưa chữ viết Châu Ro vào giảng dạy. Hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị được khoảng 11 ngàn từ tiếng Châu Ro và đang xúc tiến thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án soạn chữ viết dân tộc Châu Ro để đưa vào giảng dạy tại trường”, thầy Phước nói thêm.

Bài, ảnh: HỒNG THANH

 

;
.