Nếu không chuyên nghiệp
- Đá bóng vậy thì buồn chết.
- Than cái gì đó ông?
- Báo đăng đến giờ này, nhiều nước ở châu Mỹ, châu Âu vẫn thi đấu bóng đá mà không có khán giả trên khán đài.
- Biết sao được. Họ vẫn phải đề phòng “Cô Vy”.
- Các cầu thủ, fan bóng đá mấy xứ đó mà thấy không khí sôi động của bóng đá xứ ta hẳn là ghen tị.
- Ý ông là…?
- Ông không thấy khi giải Cúp quốc gia và V-League xứ mình quay lại, các sân bóng đã đón hàng vạn khán giả à?
- Thấy. Nhưng cũng chỉ một số sân như Nam Định, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An mới đông khán giả, hét hò cổ vũ máu lửa.Còn nhiều sân khác, khán giả đến cũng chỉ lèo tèo.
- Ủa, sao khán giả thờ ơ?
- Chuyện này “tám” cả ngày không hết. Vì V-League chưa thích nghi với cơ chế chuyên nghiệp, vì có những đội bóng sống nhờ vào tiền ông bầu.
- Hèn gì nhiều chuyên gia bóng đá nói ông bầu còn vui thì còn đội, hết vui thì hết đội.
- Đã vậy, một số người làm bóng đá không vì bóng đá mà vì quyền lợi cá nhân. Khi thấy không còn lợi, họ lập tức bán sang tay, đội bóng thay phiên hiệu xoèn xoẹt.
- Vậy vai trò khán giả? Có sự cổ vũ, tiếp sức của khán giả các cầu thủ mới hưng phấn, mới đá máu lửa chứ. Nếu không có khán giả đến coi, bóng đá đâu có hấp dẫn.
- Ông “théc méc” đúng. Nói chung V-League xứ ta đã có nhiều tiến bộ, nhưng để tiến lên đẳng cấp cao hơn thì còn phải làm nhiều thứ.
- Và quan trọng nhất là yếu tố “chuyên nghiệp”. Không chuyên nghiệp và thiếu “bầu sữa tinh thần” của khán giả, bóng đá khó mà phát triển.
HẢI LĂNG