Kỳ 2: Mở cánh cửa cho trẻ khuyết tật hòa nhập
Giáo dục hòa nhập cho HS khuyết tật là chủ trương thể hiện tính nhân văn. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, để cánh cửa hòa nhập dễ dàng và thuận lợi hơn.
Một lớp học tại Trường TH Thắng Nhất có HS khuyết tật học hòa nhập. (Ảnh mang tính minh họa) |
GỠ BỎ RÀO CẢN
Việc HS khuyết tật được học hòa nhập thể hiện tính nhân văn của Nhà nước và xã hội, giúp các em được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng. Tuy nhiên, xung quanh việc thực hiện chủ trương này còn nhiếu bất cập.
Cô S.Th., GV chủ nhiệm tại một trường TH trên địa bàn TP. Vũng Tàu chia sẻ, nhận thức của những HS khuyết tật về trí tuệ có sự chênh lệch khá lớn với những em còn lại, dẫn đến khó khăn cho GV khi tổ chức các hoạt động giảng dạy, giáo dục cho HS. Không chỉ vậy, các em HS khuyết tật có nhiều dạng với những biểu hiện khác nhau. Có những em không tự chủ được hành vi của bản thân, gây ảnh hưởng tới việc quản lý lớp học, giảng dạy của GV, thậm chí có hành vi gây nguy hiểm cho bản thân, bạn bè. Vì vậy, với những HS khuyết tật nặng, việc học hòa nhập không những chưa đem lại hiệu quả rõ rệt mà còn gây ảnh hưởng đến những HS khác. Cô Th. cho biết thêm, thời gian qua, ngành giáo dục đã thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho GV để giáo dục HS khuyết tật. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh trường lớp quá tải, sĩ số HS mỗi lớp quá đông thì việc phải cùng lúc giảng dạy cho 2 đối tượng HS khuyết tật và HS bình thường, trong 1 tiết học vỏn vẹn 40 phút sẽ có nhiều hạn chế, GV không áp dụng được triệt để những kiến thức đã được bồi dưỡng.
Theo các GV, giáo dục hòa nhập là tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được học bằng chính khả năng và nhu cầu thực tế của mình, trong đó học văn hóa chỉ là một trong những nội dung, bên cạnh các yêu cầu về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội, kỹ năng tự phục vụ. Thay vì học theo một chương trình văn hóa sẵn có thì cần tạo ra môi trường học tập thân thiện, không bắt trẻ thay đổi mà chính là hệ thống nhà trường, GV, cơ sở vật chất... Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường chưa thực hiện được việc làm này. Cô Trần Thị Nhàn, Hiệu trưởng Trường TH Thắng Nhất (TP. Vũng Tàu) cho hay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, khi lớp học tiếp nhận 1 HS khuyết tật thì sĩ số lớp đó được giảm 5 HS và mỗi lớp có không quá 2 HS khuyết tật. Trên thực tế, do áp lực về tuyển sinh nên nhiều năm qua, việc giảm sĩ số theo quy định chưa thể thực hiện được. Cùng với đó, nhiều lớp, số HS khuyết tật còn vượt quá 2 em. Đơn cử, tại Trường TH Thắng Nhất, năm học này, nhà trường có 1.600 HS với 39 lớp, sĩ số trung bình là 41 em/lớp. Trong số này có 37 HS khuyết tật. Đa số, các em khuyết tật tâm thần hoặc đa tật (khuyết tật cả về vận động, ngôn ngữ, trí tuệ). Có lớp, số HS khuyết tật học hòa nhập lên tới 5 em. “Một bộ phận phụ huynh có tâm lý e ngại, không chấp nhận con bị bệnh, đổ lỗi cho chất lượng giáo dục của nhà trường, không phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục. Một số phụ huynh có con học lớp có HS khuyết tật học hòa nhập lo lắng, bức xúc, có trường hợp đề nghị cho HS khuyết tật chuyển lớp, chuyển trường… Đó cũng là những khó khăn với các nhà trường có HS khuyết tật học hòa nhập”, cô Nhàn nói.
CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Theo cô Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu), tại các địa bàn chưa có trường công lập chuyên biệt, HS khuyết tật, nhất là những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn phải chịu thiệt thòi vì không được học trong môi trường dành riêng cho mình. Do đó, tỉnh cũng cần xem xét mở rộng quy mô hoặc thành lập trường chuyên biệt công lập ở địa bàn có nhiều HS khuyết tật để các em có cơ hội được học tập trong môi trường giáo dục phù hợp.
Còn cô Hồ Thị Tố Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Long (huyện Châu Đức) cho hay, hầu hết các trường đã mở rộng cửa hơn với HS khuyết tật học hòa nhập. Tuy nhiên, các trường chưa được trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ riêng cho đối tượng HS đặc biệt này. Do vậy, cô Tố Oanh đề xuất trang bị phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho HS chuyên biệt. Trong trường hợp số lượng HS mỗi trường không nhiều, có thể tập trung các em về một vài trường, trang bị các điều kiện cần thiết, bố trí GV được đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt để việc giáo dục cho các em đạt hiệu quả cao hơn.
Để công tác giáo dục hòa nhập cho HS khuyết tật đạt hiệu quả cao, cần có sự đồng hành của gia đình và nhà trường. Tại các cơ sở giáo dục, GV, Ban giám hiệu nhà trường cần đồng cảm, quan tâm tới từng đối tượng HS để nắm bắt tình hình của các em, đồng thời, phát hiện những biểu hiện bất thường, phối hợp với gia đình trong việc giáo dục HS. Trong tháng 6 này, Sở GD-ĐT sẽ thống kê để có cơ sở dữ liệu sơ khởi, từ đó đề xuất xây dựng trường công lập chuyên biệt dành riêng cho trẻ tự kỷ tại địa bàn TP. Vũng Tàu để các em có cơ hội được học tập, can thiệp sớm. Bên cạnh chế độ phụ cấp theo quy định của ngành, Sở GD-ĐT cũng đề xuất tỉnh có chính sách riêng cho GV dạy hòa nhập tại các trường công lập.
(Bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT)
|
HS hòa nhập khiếm khuyết về tâm sinh lý, để giáo dục các em phải là những người thật sự am hiểu, trong khi hầu hết GV phổ thông hiện nay chưa được bồi dưỡng, hướng dẫn để giáo dục thật hiệu quả diện HS này. Nhận định GV ở các trường phổ thông hiện nay chưa được đào tạo bài bản về chuyên ngành giáo dục đặc biệt, hầu hết chỉ được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn giáo dục đặc biệt do sở hoặc phòng GD-ĐT tổ chức, trong khi đó, HS khuyết tật học hòa nhập có nhiều dạng, đòi hỏi GV phải có phương pháp cụ thể, thầy Trần Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) đề xuất, ngành giáo dục cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho GV để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó, để nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm quyền lợi cho HS khuyết tật, cần phải có sự phân loại HS. HS khuyết tật nhẹ có thể học hòa nhập, HS khuyết tật nặng và đặc biệt nặng nên theo học tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt.
Ngoài ra, nhiều GV, Ban Giám hiệu nhà trường cho rằng, việc dạy song song 2 đối tượng HS khiến GV chủ nhiệm và GV bộ môn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những trường hợp HS khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Vì vậy, cần thực hiện tốt chế độ, chính sách trong giảng dạy HS khuyết tật để tạo thêm động lực cho các GV thực hiện công việc của mình.
Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG
Kỳ 1: Chỉ hiệu quả khi có sự cảm thông, chia sẻ