HS KHUYẾT TẬT HỌC HÒA NHẬP TẠI CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG - Kỳ 1: Chỉ hiệu quả khi có sự cảm thông, chia sẻ

Thứ Hai, 08/06/2020, 21:31 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, việc tạo điều kiện cho HS khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục phần nào đó giúp các em có thể phát triển khả năng bản thân, được hòa nhập và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng. Tuy vậy, trong thực tế giảng dạy, các cơ sở giáo dục và GV rất vất vả. Việc xây dựng được tinh thần cảm thông, chia sẻ của mỗi GV, HS ở từng trường được coi là giải pháp quan trọng nhất đễ hỗ trợ hòa nhập với HS khuyết tật.

Nhiều HS khuyết tật đã có tiến bộ vượt bậc khi học hòa nhập. Trong ảnh: Em Lâm Thanh Bá Quý, cựu HS Trường THCS Thắng Nhất (TP. Vũng Tàu) tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố.
Nhiều HS khuyết tật đã có tiến bộ vượt bậc khi học hòa nhập. Trong ảnh: Em Lâm Thanh Bá Quý, cựu HS Trường THCS Thắng Nhất (TP. Vũng Tàu) tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố.

VẤT VẢ TRĂM BỀ

Em T.L. không chỉ là một HS khuyết tật nặng về ngôn ngữ, trí tuệ, mà còn mắc hội chứng tăng động giảm chú ý, không tự chủ được hành vi của mình. Hiện nay, L. đang học hòa nhập cùng hơn 40 HS bình thường khác tại lớp 3 của một trường TH công lập trên địa bàn TP.Vũng Tàu. Mỗi tiết học, L. chỉ ngồi yên được khoảng 15 phút, sau đó bắt đầu chạy lung tung trong lớp. Lớp học của L. cũng luôn luôn trong trạng thái “cửa đóng, then cài”, bởi nếu sơ suất, L. sẽ xô cửa chạy ra ngoài. Do em không có khả năng tự phục vụ bản thân nên GV chủ nhiệm và GV bộ môn của lớp vừa là giảng dạy, vừa làm bảo mẫu, phục vụ L. từ những việc rất nhỏ. Trong mỗi tiết dạy, GV vừa giảng bài, vừa kèm riêng cho L., canh giờ cho em vệ sinh cá nhân. Trên bàn GV, cô S.Th., GV chủ nhiệm lớp phải dán sẵn “lịch sinh hoạt” cá nhân của L. để các GV khác hỗ trợ em. Trong các tiết học, L. không thể học theo chương trình như những HS còn lại, mà tùy tình hình của em, GV cho em chương trình riêng như tập vẽ, tập tô… Cô Th. chia sẻ: “GV chỉ kèm cặp HS khuyết tật 1 năm học trong khi cha mẹ em phải chăm sóc các em nhiều năm, thậm chí là suốt đời. Nghĩ như vậy nên bản thân tôi cũng như các GV khác đều cố gắng giúp các em HS khuyết tật học hòa nhập bằng tất cả tình thương và trách nhiệm. Có những em có tiến bộ, song cũng có những trường hợp nặng sau cả năm học, nhận thức, kỹ năng của các em vẫn không hề tiến triển”.

Trường hợp của T.L. không phải là cá biệt. Tại Trường TH Thắng Nhất (TP. Vũng Tàu), một trong những trường có số lượng HS khuyết tật học hòa nhập nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, hằng ngày, các thầy cô tiếp xúc với HS khuyết tật nhiều dạng khác nhau. Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, trong gần 10 năm trở lại đây, nhà trường thường xuyên tiếp nhận HS khuyết tật học hòa nhập. Có em bị bại não, người mềm oặt, chỉ cử động được 3 ngón tay; có em chỉ cần rời tay mẹ là leo lên lan can định nhảy xuống; có em vừa chậm phát triển trí tuệ, vừa tăng động kích thích, chỉ cần bị kích động là vác ghế tấn công bạn bè, cô giáo… Cho nên, như một phản xạ tự nhiên, ở trường, hễ nghe thấy tiếng la hét là bảo vệ, nhân viên, GV phải chạy ngay tới xử lý tình hình. Cá biệt, có trường hợp HS vừa khuyết tật trí tuệ, ngôn ngữ, vận động, khiếm thị, vừa bị bệnh tâm thần cũng học hòa nhập tại trường. Cả một học kỳ, phụ huynh nghỉ làm, xin phép nhà trường tới lớp vừa trông con, vừa học cách dạy của GV. GV chủ nhiệm những lớp có HS khuyết tật luôn phải kèm cặp các em như hình với bóng trong cả giờ học, giờ ra chơi để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. 

HS Trường THCS Vũng Tàu trong một tiết học. (Ảnh mang tính chất minh họa)
HS Trường THCS Vũng Tàu trong một tiết học. (Ảnh mang tính chất minh họa)

LINH HOẠT KHI THỰC HIỆN GIÁO DỤC HÒA NHẬP

Cô Trần Thị Nhàn, Hiệu trưởng Trường TH Thắng Nhất, thời gian qua, để thực hiện giáo dục hòa nhập, nhà trường luôn chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, GV, nhân viên về giáo dục trẻ khuyết tật. Bên cạnh việc động viên, chia sẻ khó khăn với GV, nhà trường đã đưa nhiệm vụ này vào tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo, tiêu chí thi đua, đánh giá GV của trường. Nhà trường cũng chú trọng bồi dưỡng chuyên môn cho GV giáo dục HS hòa nhập. Trong sinh hoạt chuyên môn, GV thường xuyên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giáo dục HS khuyết tật. Không chỉ vậy, việc phối hợp với địa phương để xác nhận, phân loại HS cũng vô cùng quan trọng. “Đầu mỗi năm học, nhà trường tổng hợp danh sách HS khuyết tật đã được cấp giấy chứng nhận để phân lớp cho phù hợp. Trong quá trình giảng dạy, GV tiếp tục theo dõi HS trong lớp để tiếp tục phát hiện những em có biểu hiện khuyết tật để tư vấn cho phụ huynh đưa các em đi thăm khám. Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường còn mời BS chuyên khoa về tổ chức khám miễn phí tại trường. Cuối học kỳ 1 hàng năm, nhà trường sẽ tổng hợp lại thông tin, phối hợp với phụ huynh chuyển hồ sơ về Hội đồng giám định của các phường”, cô Nhàn nói.

Trong quá trình giáo dục HS khuyết tật, các nhà tường cũng hết sức linh hoạt trong việc giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá. Cô Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) chia sẻ, căn cứ vào tình hình cụ thể của HS, GV bộ môn sẽ xây dựng kế hoạch giảng dạy và kiểm tra phù hợp với các em. Những HS khuyết tật có khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục chung được đánh giá, xếp loại dựa theo các tiêu chí như HS bình thường nhưng có giảm nhẹ các yêu cầu, được phép điều chỉnh về nội dung, phương pháp cho phù hợp. HS khuyết tật không đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục chung được đánh giá dựa trên sự tiến bộ của HS. Kết quả đánh giá không tính vào kết quả học tập chung của lớp nhưng được ghi nhận thành tích cho GV bằng sự tiến bộ của HS. 

Theo quy định của Bộ GD-ĐT tại Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT về giáo dục hòa nhập với người khuyết tật (NKT) thì nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập là phát hiện, huy động và tiếp nhận NKT học tập tại cơ sở giáo dục; Sắp xếp, bố trí các lớp học phù hợp với NKT, đảm bảo mỗi lớp học hòa nhập có không quá 2 NKT. Trường hợp đặc biệt, thủ trưởng cơ sở giáo dục căn cứ vào điều kiện thực tế có thể sắp xếp, bố trí thêm NKT trong một lớp học để đảm bảo cho những NKT có nhu cầu học hòa nhập đều được đi học…

Thầy Trần Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) để thực hiện hiệu quả việc giáo dục hòa nhập cho HS khuyết tật, nhà trường luôn xây dựng tinh thần cảm thông, chia sẻ của tập thể GV, HS toàn trường. Chỉ khi các em không cảm thấy lạc lõng, tự ti về sự khác biệt của mình thì việc giáo dục hòa nhập mới thực sự hiệu quả.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

;
.