Biết đâu mà tìm?

Thứ Năm, 04/06/2020, 20:55 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng nọ, cây xà cừ cổ thụ và cây phượng già trong sân trường thức giấc nhìn nhau một hồi rồi cười phá lên. Cây phượng già nói:

- Anh xà cừ coi mình kìa. Đang sum suê đẹp đẽ, tỏa bóng mát um tùm, giờ bị mé nhánh chặt cành trụi lũi đến khó coi. 

Cây xà cừ cổ thụ hừ một tiếng:

- Anh cũng bị cắt bỏ cành lá đến trọc lóc chớ hơn gì tui. 

Hai loại cây từng cho các thế hệ học trò bóng mát um tùm để vui đùa giật mình nhìn lại mình rồi cùng thở dài não nuột:

- Chỉ một cây ngã đổ mà họ nỡ “mé, tỉa” chúng ta đến mức… trụi lũi như thế này, thật tàn nhẫn quá!

- Nhà trường chặt hạ không thương tiếc thì làm sao giáo dục học sinh biết yêu quý cây xanh, bảo vệ môi trường?

Cây xà cừ cổ thụ ngậm ngùi:

- Với hình hài xấu xí này, tới đây tui với anh không còn được các em học sinh ghi vào lưu bút “tuổi học trò mãi đẹp với những kỷ niệm hoa niên dưới hàng cây tỏa bóng” nữa rồi. 

Cây phượng già nghe nói mủi lòng khóc rống lên:

- Tui là loại cây gắn bó với lớp học, sân trường, đã từng đi vào lưu bút, thi ca với rất nhiều hình ảnh, kỷ niệm đẹp của tuổi học trò. Giờ tui bỗng biến thành tội nhân thiên cổ. 

Rồi cùng với cây cổ thụ già cất giọng hát nghẹn ngào: “Màu hoa phượng thắm như máu con tim/Mỗi lần hè thêm kỷ niệm/Người xưa biết đâu mà tìm…”. 

SÁU BẾN ĐÌNH

 
;
.