Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCCS) tại nơi làm việc, tăng cường đối thoại; ký kết, thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT)… là những nội dung quan trọng nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong DN.
Nhân viên Công ty TNHH Thép TungHo Việt Nam giới thiệu sản phẩm mới tới khách hàng. Ảnh: TRÀ NGÂN |
TĂNG CƯỜNG ĐỐI THOẠI
Ngày 19/5, Công ty CP China Steel & Nippon Steel Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) tổ chức đối thoại với người lao động (NLĐ). Những vấn đề về tình hình sản xuất kinh doanh, xây dựng môi trường làm việc, các chế độ chính sách… được đại diện lãnh đạo công ty và NLĐ thẳng thắn trao đổi và tạo được sự đồng thuận cao.
Ông Nguyễn Ngọc Huy Vũ, Chủ tịch Công đoàn công ty cho hay, từ đầu năm 2020 đến nay, công đoàn đã tổ chức 2 đợt đối thoại và 1 hội nghị NLĐ. Thông qua các buổi đối thoại, Công đoàn và lãnh đạo DN đã kịp thời giải quyết những vướng mắc, đề xuất chính đáng của NLĐ; tạo môi trường làm việc thân thiện, dân chủ, trách nhiệm và hiệu quả, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong DN. Đây cũng là cơ hội để DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Học, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Vard Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu), công ty tổ chức đối thoại tại nơi làm việc định kỳ 3 tháng/lần; tổ chức hội nghị NLĐ 1 lần/năm. Qua đó, trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh; việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và thỏa thuận khác tại nơi làm việc… Qua đối thoại, chủ DN giải đáp kịp thời, thỏa đáng tâm tư, nguyện vọng của NLĐ.
KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CỦA CÔNG ĐOÀN
Phối hợp với chính quyền, DN xây dựng và ký kết TƯLĐTT, thực hiện các chế độ chính sách, tạo việc làm cho NLĐ - đó là những nỗ lực của các công đoàn cơ sở hiện nay trong việc xây dựng quan hệ lao động tại các DN. Ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng Phòng Chính sách - Pháp luật (LĐLĐ tỉnh) thông tin, trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ ngừng việc tập thể với 1.080 CNLĐ tham gia, giảm 3 vụ so với năm 2018. Trong hầu hết các vụ tranh chấp lao động đều có sự tham gia giải quyết của các cấp công đoàn. Cụ thể, các cấp công đoàn đã kịp thời tham gia cùng các cơ quan chức năng và NLĐ thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động nên hầu hết các vụ tranh chấp đều được giải quyết ổn thỏa, quyền lợi NLĐ cơ bản được bảo vệ.
Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cũng khẳng định, việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại các DN là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm quyền lợi, lợi ích chính đáng cho NLĐ. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống NLĐ mà còn góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa NLĐ và NSDLĐ. Theo bà Phúc, nếu một DN chỉ chú trọng sản xuất, kinh doanh, không quan tâm sâu sát tới quyền lợi của NLĐ và NLĐ không được thực hiện quyền dân chủ của mình thì tình trạng bất đồng trong quan hệ lao động rất dễ xảy ra. “Việc thực hiện tốt QCDC sẽ kịp thời tháo gỡ, giải tỏa những khúc mắc phát sinh của NLĐ ngay từ tổ sản xuất, từ đó hạn chế tình trạng ngưng việc tập thể. Đồng thời, việc nâng cao chất lượng thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT cũng góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN”, bà Phúc cho hay.
HUYỀN TRANG
;