Tăng cường quản lý cây xanh trong trường học

Thứ Sáu, 29/05/2020, 20:37 [GMT+7]
In bài này
.

Sau vụ việc cây phượng vĩ bật gốc vào sáng 26/5 tại Trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TP. Hồ Chí Minh) khiến 1 HS tử vong và nhiều em bị thương, Sở GD-ĐT tỉnh BR-VT đã yêu cầu trường học rà soát lại hệ thống cây xanh; tăng cường công tác phòng chống tai nạn thương tích. 

Đoàn khảo sát của TP. Vũng Tàu khảo sát cây xanh tại trường Tiểu học Đoàn Kết.
Đoàn khảo sát của TP. Vũng Tàu khảo sát cây xanh tại trường Tiểu học Đoàn Kết.

20/67 TRƯỜNG CÓ NGUY CƠ MẤT AN TOÀN  CÂY XANH

Từ ngày 27 đến 29/5, Phòng GD-ĐT, Phòng Tài chính – Kế hoạch, phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu và Công ty CP phát triển công viên, cây xanh và đô thị Vũng Tàu (UPC) đã khảo sát hệ thống cây xanh trong trường học trên địa bàn thành phố.

Tại Trường Mầm non Sao Mai (số 9, Bà Triệu, TP. Vũng Tàu) hiện có 5 cây xanh có tuổi đời từ 20 năm trở lên. Trong đó có 1 cây phượng có một phần gốc đã bị mục ruỗng hoàn toàn. Cô Lương Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Mai cho biết: “Hàng năm trường phối hợp với Công ty UPC để cắt tỉa cành nhánh, hạ độ cao cho các cây xanh trong trường. Tuy nhiên, hiện nay cây phượng ở phía bên trái cổng trường không bảo đảm an toàn nên trường kiến nghị UBND TP. Vũng Tàu cho chặt hạ”.

Cây phượng cổ thụ ở trường Mầm non Sao Mai đã mục rỗng nhiều nhánh.
Cây phượng cổ thụ ở trường Mầm non Sao Mai đã mục rỗng nhiều nhánh.

Theo bà Dương Thị Diệu, chuyên viên Phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu, trên địa bàn thành phố hiện có 67 trường học trong đó theo thống kê có 20 trường được nhận định có nguy cơ mất an toàn cây xanh. Qua khảo sát và báo cáo đề xuất của các trường, đoàn đã ghi nhận hơn 10 cây chủ yếu là cây phượng, xà cừ, lim xẹt… bị mục rỗng; thân và rễ cây yếu nên được các trường đề xuất chặt hạ. Theo bà Diệu, sau khi khảo sát, đoàn ghi nhận và có đề xuất với các đơn vị liên quan, kiến nghị UBND TP. Vũng Tàu cắt tỉa cành nhánh, hạ độ cao và chằng chống một số cây trong trường nhằm bảo đảm an toàn khi có mưa bão.

Trong khi đó, huyện Côn Đảo cũng nhanh chóng chủ động rà soát toàn bộ cây xanh tại các trường học. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Côn Đảo thông tin, những năm gần đây huyện thường xuyên rà soát cây xanh trong trường học, nên những cây già, yếu, mất an toàn đã được thay thế bằng những cây mới. Riêng trường Mầm non Tuổi Thơ hiện vẫn còn 10 cây bàng Đài Loan 12 năm tuổi, cao 7-8m có nhiều nhánh xanh, tốt nhưng do nằm gần tường, bóng rậm rạp làm thiếu ánh sáng tự nhiên ở các lớp nên mùa mưa bão cành cây hay va đập vào mái ngói, có nguy cơ mất an toàn. Sau khi khảo sát, Phòng GD-ĐT đã kiến nghị UBND huyện chặt hạ, thay thế cây trồng mới phù hợp hơn để bảo đảm an toàn cho trường Mần non Tuổi Thơ.

Trong khi đó, thông tin từ TX. Phú Mỹ, ông Đàm Văn Bình, Giám đốc Công ty Cây xanh (Công ty CP Dịch vụ đô thị Tân Thành), cho biết, dự kiến từ ngày 1/6 , các cơ quan chức năng trên địa bàn TX. Phú Mỹ sẽ tiến hành khảo sát, kiểm tra cây xanh hơn 43 trường học trên địa bàn. 

Các em nhỏ trường mầm non Hướng Dương (huyện Côn Đảo) vui chơi  trong sân trường có cây xanh.
Các em nhỏ trường mầm non Hướng Dương (huyện Côn Đảo) vui chơi trong sân trường có cây xanh.

VỪA GIỮ MẢNG XANH, VỪA BẢO ĐẢM AN TOÀN TÍNH MẠNG HỌC SINH

Hiện nay, vấn đề làm sao vừa giữ được mảng xanh cho trường học, vừa bảo đảm an toàn cho HS được nhiều trường quan tâm. Cô Trần Thị An Pha, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Kết (TP. Vũng Tàu) cho biết, khuôn viên của trường khá nhỏ, chỉ có 1 cây hoa sữa và 1 cây bàng tuổi đời 17 năm. “Cây xanh trồng trong trường tạo bóng mát, không gian xanh tươi, nhưng cũng là nỗi lo của  trường. Việc cây phượng vĩ đổ vừa qua là bài học cho chúng tôi trong bảo vệ cây xanh, bảo đảm an toàn cho HS, GV. Tuy nhiên, khó có thể ngăn chặn rủi ro từ đầu, bởi việc kiểm tra cây hư hỏng, sâu bệnh vẫn rất khó để nhận dạng bằng mắt thường. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị các đơn vị chức năng có chuyên môn về cây xanh cùng phối hợp kiểm tra thường xuyên cây xanh trong trường để có giải pháp kịp thời bảo đảm an toàn cho trường học”, cô Pha nói.

Hàng năm, UPC cũng  thường xuyên phối hợp với các trường để cắt tỉa cành nhánh, hạ độ cao, kiểm tra sức khỏe của cây. Theo đại diện công ty, qua khảo sát thì hầu hết các cây xanh cho bóng mát trong các trường học đang phát triển bình thường, một số cây có hiện tượng mối mọt, cây lâu năm đơn vị đề xuất chặt hạ để trồng thay thế. Tuy nhiên chỉ nên chặt hạ những cây nào thật sự nguy hiểm, còn lại vẫn phải sử dụng các biện pháp phòng chống để giữ bóng mát cho sân trường, tạo cảnh quan và không khí trong lành cho trường học.

Theo ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, việc quản lý cây xanh được phân cấp thực hiện theo Điều 16 Nghị định 64/2010. Theo quy định “các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý”. Như vậy, trách nhiệm quản lý cây xanh trong trường học thuộc về các trường. Đầu mùa mưa hàng năm, Sở Xây dựng đều có văn bản yêu cầu các địa phương nhắc nhở các trường học kiểm tra, rà soát và có biện pháp bảo đảm an toàn cho cây xanh trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, lâu nay việc quản lý cây xanh trong trường học chưa thật sự được nhiều trường quan tâm thực hiện. 
-----------------
Theo các chuyên gia, các loại cây trồng trong trường học không những có tác dụng làm đẹp cảnh quan, cho bóng mát mà còn phải đảm bảo yếu tố an toàn cho HS. Vì vậy, khi chọn cây trồng nên chú ý tới yếu tố thân dẻo dai, bền, có khả năng chịu gió bão cao, không có gai nhọn, độc. Ngoài ra, cũng nên hạn chế trồng cây ăn quả thu hút động vật như dơi, côn trùng vì chúng có thể gây hại cho HS. Một số loại cây xanh phù hợp để trồng trong trường học như: Bàng Đài Loan, muồng hoa đào, giáng hương, móng bò tím...

Theo bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT, từ đầu năm học, Sở đã triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn cho HS, trong đó yêu cầu các phòng GD-ĐT cấp huyện và nhà trường phải có phương án cụ thể trong việc quản lý, chăm sóc cây xanh. Trước sự cố cây xanh gãy đổ xảy ra tại trường THCS Bạch Đằng (TP. Hồ Chí Minh), ngày 28/5, Sở đã có văn bản số 960/SGD-ĐT-VP gửi các Phòng GD-ĐT cấp huyện và các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, trường lớp nhất là cây xanh trong khuôn viên trường, xung quanh trường… có thể gây nguy hiểm trong mùa mưa bão. Từ đó chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các công ty cây xanh khảo sát, cắt tỉa cành cây để phòng ngừa và khắc phục các yếu tố có nguy cơ mất an toàn, bảo đảm về thể chất và tinh thần cho nhà giáo, HS-SV trong các cơ sở giáo dục. Theo bà Châu, bên cạnh các giải pháp trên Sở cũng chỉ đạo các trường tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng ứng phó với thiên tai, cá tình huống, sự cố tai nạn bất ngờ cho HS-SV nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là thiệt hại về người và tài sản, các công trình trường học.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.