Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, 90% người mắc ung thư phổi hàng năm trên thế giới do hút thuốc lá. Hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Không hút thuốc lá là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật, góp phần xây dựng môi trường trong lành cho xã hội.
Bệnh nhân nghiện thuốc lá bị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính do hút thuốc lá đang được điều trị tại Khoa Nội (Bệnh viện Lê Lợi). |
TÀN PHÁ SỨC KHỎE VÌ THUỐC LÁ
Ông Đ.G.K., 56 tuổi, ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Vũng Tàu) đang điều trị tại Khoa Nội (Bệnh viện Lê Lợi) vì chứng mệt mỏi, khó thở. Ngoài ra, ông còn bị hở van tim. Điều đáng nói, ông có thói quen hút thuốc lá hơn 40 năm nay. Khi còn trẻ, mỗi ngày ông hút 2 gói và những năm gần đây, do bị bệnh nên ông giảm hút còn 1 gói/ngày. Ông đã nhiều lần được bác sĩ khuyến cáo bỏ thuốc lá nhưng không thực hiện được khiến bệnh ngày nặng thêm. “Từ đầu năm 2020 đến nay tôi phải nhập viện 3 lần để điều trị. Tôi vẫn biết hút thuốc lá ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và đã nhiều lần cai thuốc nhưng không được”, ông K. lý giải.
Tương tự, ông P.H.L., 69 tuổi, ở đường Đồ Chiểu (TP.Vũng Tàu) cũng đã điều trị tại Bệnh viện Lê Lợi từ đầu tháng đến nay vì bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính. Ông L. được chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh là do hút thuốc lá.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, thuốc lá liên quan tới 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Nếu hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 26 lần so với người không hút thuốc. Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Quốc Bàn, Trưởng Khoa Nội (Bệnh viện Lê Lợi) thông tin, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh nhân mắc bệnh này có các triệu chứng như: khó thở, khò khè, mệt mỏi kéo dài, ho mãn tính, khạc đờm; ngực có cảm giác đau thắt, nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần. Bên cạnh đó, thuốc lá còn gây ra các bệnh ung thư nguy hiểm (ung thư phế quản, phổi, vòm họng và ruột…) và các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, suy tim, xuất huyết não, giảm trí nhớ).
Ngoài ra, thuốc lá cũng gây vô sinh ở nam giới, dị dạng thai nhi, tăng nguy cơ loãng xương gây đau nhức cơ thể, ảnh hưởng đến răng miệng... “Bệnh nhân càng hút thuốc sớm và nhiều thì càng dễ mắc bệnh sớm. Thông thường 40 tuổi trở lên, những triệu chứng mắc bệnh liên quan đến hút thuốc bắt đầu xuất hiện. Người bệnh phải ngưng hút thuốc ít nhất 5 năm thì sau đó mới cải thiện được tình trạng chức năng của phổi”, bác sĩ Bàn phân tích.
NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ TÁC HẠI THUỐC LÁ
Anh N.H.H. (43 tuổi, ở đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.Bà Rịa) đang điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa vì có những triệu chứng như khó thở, ho kéo dài, cơ thể mệt mỏi. Bác sĩ cho biết, những triệu chứng bệnh của anh H., có nguyên nhân liên quan đến khói thuốc lá. Anh kể, hồi nhỏ anh học hút thuốc theo các bạn. Đến khi hơn 30 tuổi, lập gia đình, anh thường xuyên bị ho và sụt ký nên vợ anh nhiều lần khuyên anh bỏ thuốc. 2 năm gần đây, anh thường có những cơn ho kéo dài nên phải đi khám và nhập viện điều trị. Bác sĩ khuyến cáo, động viên anh nên bỏ thuốc. Vậy là từ đầu năm nay, anh H. quyết tâm cai thuốc lá. “Hồi trẻ tôi hút 2-3 gói/ngày. Gần đây, sức khỏe ngày càng giảm sút, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc nên tôi quyết tâm bỏ thuốc cho bằng được. Thời gian đầu bỏ thuốc cũng thèm lắm, cảm thấy nhạt miệng, tôi phải mua kẹo cay để ngậm. Tuy nhiên, nhờ kiên trì nên đến nay, tôi đã không còn cảm giác nhớ thuốc lá nữa”, anh H. cho hay.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lên, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết, hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà còn gây ô nhiễm môi trường, khiến người xung quanh bị hút thuốc thụ động. Trung tâm đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp truyền thông nhằm hạn chế tình trạng gia tăng người hút và vận động người dân bỏ thuốc lá như: truyền thông trực tiếp thông qua các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; tổ chức các hội thi tìm hiểu về tác hại của thuốc lá trong trường học; treo băng rôn, khẩu hiệu tại các tuyến đường… Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong muốn.
Chọn cách thức truyền thông phù hợp chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp người dân nhận thức được tác hại của thuốc lá. Do đó, thời gian tới, bên cạnh công tác truyền thông, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các đợt kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó tập trung kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị công lập, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và y tế. “Để cai nghiện thuốc thành công, người hút thuốc lá cần phải có ý chí và quyết tâm cao, đồng thời có sự giúp đỡ, động viên từ người thân, bạn bè”, bác sĩ Lên chia sẻ.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM