Những ngôi nhà khang trang mọc lên, những tuyến đường đã được đầu tư mở rộng, các công trình đua nhau khoác lên mình diện mạo mới... Xã Nghĩa Thành sau nhiều năm được đầu tư, xây dựng đã thay da đổi thịt, là một trong những xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Châu Đức.
Các công trình thiết yếu được đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương. |
KHỞI SẮC VÙNG QUÊ
Ông Phạm Thành Minh (SN 1946, ngụ thôn Quảng Thành 2) cả một đời gắn bó với xã Nghĩa Thành. Hơn ai hết, ông biết rõ những đổi thay của vùng đất này. Từ một vùng quê nghèo, Nghĩa Thành từng bước “thay da đổi thịt”, đời sống của người dân được nâng cao. Đây là cả một quá trình phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương.
“Tôi rất phấn khởi trước sự phát triển của địa phương. Và cũng nhờ đó, gia đình tôi mới khá lên được. Trước đây, kinh tế của gia đình tôi phụ thuộc vào rẫy mì và bắp, thu nhập bấp bênh. Với sự hỗ trợ từ chính quyền trong chuyển đổi sản xuất, trồng trọt, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vợ chồng tôi đã mạnh dạn cải tạo đất, đầu tư trồng 6 sào mận An Phước, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm, cuộc sống đầy đủ hơn”, ông Minh chia sẻ.
Gần 3 năm trở lại đây, cuộc sống gia đình ông Nguyễn Thông Minh (SN 1975, ngụ thôn Vinh Sơn), thu nhập tăng cao hơn trước rất nhiều. Bởi, gia đình ông đã được Hội Nông dân huyện Châu Đức hỗ trợ 10 triệu đồng để mua 4 con dê giống sinh sản và làm chuồng trại. Từ một hộ nghèo, con trai học lớp 8 bị bệnh hen suyễn, bản thân ông Minh bệnh tật, không thể làm công việc nặng, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình ông đều phụ thuộc vào đồng lương công nhân ít ỏi của vợ. Nhờ chịu khó chăm sóc, đàn dê nhà ông Minh đã phát triển lên hơn 20 con. Mỗi tháng, ông Minh bán 2 con dê thịt, thu lợi hơn 7 triệu đồng. Năm nay, gia đình ông Minh quyết tâm ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Theo ông Hoàng Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành, trước những năm 2015, kinh tế - xã hội của xã còn gặp rất nhiều khó khăn. Các công trình hạ tầng thiết yếu chưa được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, khoảng 30 triệu đồng/năm. Hiện nay, diện mạo địa phương khởi sắc, người dân có cuộc sống đầy đủ. Các tuyến đường liên xã, liên thôn, liên tổ đã được nhựa hóa, bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Cùng với đó, nhiều mô hình kinh tế như: Trồng hoa lan, mận An Phước, măng Tây; nuôi dê… đã và đang phát huy hiệu quả. Trên địa bàn xã, số hộ nghèo giảm xuống còn 1,38%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 65%; thu nhập bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, địa phương xây dựng 7.858m kênh mương thủy lợi, dẫn nước từ hồ Sông Ray, phục vụ nhu cầu tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp; đầu tư 8km, với 18 tuyến đường dây điện lưới trung thế, hạ thế, bảo đảm yêu cầu sản xuất, sinh hoạt; toàn xã có 3/4 trường học đạt chuẩn Quốc gia, còn Trường TH Sông Cầu đang được xây dựng mới, đáp ứng yêu cầu dạy và học, chất lượng giáo dục cũng nâng lên; công tác phổ cập giáo dục TH, THCS được giữ vững, hoạt động khuyến học, khuyến tài đạt hiệu quả.
Chị Trương Thị Thu (thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức), thu nhập mỗi tháng 20 triệu đồng từ trồng hoa lan. |
PHẤN ĐẤU ĐẠT CHUẨN XÃ NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO
Những ngày này, Nghĩa Thành trở nên nhộn nhịp hơn, hai bên đường cờ hoa phấp phới, nhà nhà phấn khởi vì địa phương đang hướng về Đại hội Đảng bộ xã Nghĩa Thành lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thư thái đi bộ trên con đường bê tông thẳng tắp, ông Đỗ Đức Huế (SN 1955, ngụ thôn Quảng Thành 1) vui vẻ nói: “Trước đây, người dân đi lại trên con đường này rất khổ sở, vừa sình lầy lại chật hẹp. Khi Nhà nước mở rộng đường, làm mương thoát nước hai bên, gia đình tôi đã tự nguyện phá bỏ hàng rào, hiến hơn 60m2 đất mặt tiền, ước tính khoảng 300 triệu đồng nhưng tôi không tiếc, vì đây là trách nhiệm và quyền lợi của người dân cùng chung tay, góp sức xây dựng NTM”.
Ông Trần Bé, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thành cho biết, nhiệm kỳ 2015-2020, các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra đều đạt và vượt. Các chương trình đột phá, công trình trọng điểm đều được triển khai thực hiện và hoàn thành đúng kế hoạch. Kết cấu hạ tầng trên địa bàn ngày càng hoàn thiện, chương trình xây dựng NTM đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện mức hưởng thụ văn hóa của người dân đạt 38,2 lần/người/năm; hơn 97% số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa; Trạm y tế xã được đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình chính sách, hộ nghèo được Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể quan tâm thực hiện. Nhiệm kỳ qua, các cấp, các ngành của xã đã vận động gần 2 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa 65 căn nhà Đại đoàn kết… Có được kết quả trên là nhờ sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cùng với địa phương xây dựng xã nhà phát triển.
Xác định cơ cấu kinh tế của xã giai đoạn 2020-2025 theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại dịch vụ (thương mại - dịch vụ chiếm 60,35%; CN-TTCN 20,02% và nông nghiệp 19,64%), Đảng bộ xã Nghĩa Thành đề ra mục tiêu tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân; tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh - chính trị, trật tự xã hội; huy động mọi nguồn lực để xây dựng địa phương phát triển bền vững. |
“Tin tưởng, nhiệm kỳ mới, Đảng bộ, chính quyền và người dân Nghĩa Thành đoàn kết, chung tay hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, quyết tâm giữ vững các tiêu chí xây dựng NTM và hướng đến xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2020, với mục tiêu là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, ông Trần Bé nhấn mạnh.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG