Thời tiết của mùa hè nóng nực, nhiệt độ tăng cao, trong khi sức đề kháng của người cao tuổi (NCT) ngày càng giảm khiến nguy cơ mắc bệnh ở tuổi này gia tăng.
Bác sĩ Trần Mạnh Tuân khám cho ông Bùi Văn Lý (SN 1937, Phường 10, TP.Vũng Tàu). |
TUỔI DỄ TỔN THƯƠNG VÌ THỜI TIẾT
Ngày 6/5, ông Bùi Văn Lý (SN 1937, Phường 10, TP. Vũng Tàu) được đưa vào Bệnh viện Lê Lợi cấp cứu trong tình trạng chân tay bủn rủn, khó thở. Sau thời gian được chăm sóc, điều trị, đến nay sức khỏe ông Lý đã cải thiện. Bác sĩ Trần Mạnh Tuân, Phó Trưởng Khoa Tim mạch lão học cho hay, bệnh nhân Lý bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hơn 10 năm nay. Thời tiết nắng nóng, bệnh nhân lại lớn tuổi, sức đề kháng giảm sút, nên người bệnh dễ bị khó thở. Rất may, bệnh nhân đã được người nhà đưa vào bệnh viện kịp thời, bởi nếu chậm khoảng 1 giờ thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Tương tự, chiều 11/5, bệnh nhân Nguyễn Kim Thiện (SN 1944, 54/18/3A, Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Vũng Tàu) cũng được người nhà đưa vào Bệnh viện Lê Lợi cấp cứu do nắng nóng. Bà Thiện cho biết, sau khi đi làm thẻ căn cước công dân, bà ra về giữa lúc trời nắng nóng. Về đến nhà, bà cảm thấy mệt mỏi, tay chân tê, cứng hàm rồi người lịm dần, không còn biết gì và được đưa vào Bệnh viện Lê Lợi cấp cứu. Bà được chẩn đoán tăng huyết áp (130/80 mmHg) và được can thiệp kịp thời.
Hiện nay, Khoa Tim mạch lão học (Bệnh viện Lê Lợi) đang điều trị nội trú cho 40 bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, tăng gấp đôi so với 2 tháng trước. Trong khi đó, ghi nhận tại Bệnh viện Bà Rịa, từ đầu tháng 4 đến nay, có khoảng 570 NCT đã nhập viện điều trị tại các khoa. Bác sĩ Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Khoa Nội tim mạch lão học (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, phần lớn NCT đang điều trị tại bệnh viện bị mắc các bệnh như: Tim mạch, huyết áp, hô hấp, tiêu hóa, nhiễm trùng đường ruột…
Bác sĩ Hiền phân tích, ở NCT, các hệ thần kinh và các cơ quan khác như: gan, thận, xương khớp, hô hấp, tim mạch dần thoái hóa dẫn đến sức đề kháng ngày càng giảm sút. Vì vậy, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn gây hại phát triển mạnh, tác động vào hệ miễn dịch khiến NCT dễ mắc bệnh. Sức đề kháng giảm sút cũng khiến NCT suy giảm khả năng thích nghi với sự thay đổi của thời tiết. Khi ra ngoài trời nắng nóng, nhiệt độ cao, NCT dễ bị tổn thương hệ thần kinh, dẫn đến tình trạng hôn mê, mê sảng, co giật. Cùng với nhiệt độ cao, độ ẩm cao, vi trùng phát triển mạnh, NCT ăn uống không hợp vệ sinh cũng dễ mắc bệnh đường ruột. Ngoài ra, nắng nóng còn khiến NCT mất nước, ảnh hưởng đến hệ tim mạch, làm tim đập nhanh, huyết áp tụt, gây choáng.
LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG BỆNH HIỆU QUẢ?
Để phòng bệnh, bác sĩ Nguyễn Đức Hiền khuyến cáo, NCT không nên ra ngoài trời khi thời tiết nắng nóng, nhất là vào buổi trưa, thời điểm nắng gắt, cường độ tia tử ngoại cao. Trong trường hợp nhất thiết phải ra ngoài, NCT cần đội nón rộng vành, bảo vệ mắt bằng kính, mặc áo khoác. NCT nên uống nhiều nước như nước suối, nước khoáng, nước trái cây có điện giải và không nên chờ khi có cảm giác khát nước mới uống. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cho NCT cần bảo đảm đủ chất. Tuy nhiên, NCT cần lưu ý hạn chế các loại thức ăn sinh ra nhiều năng lượng, tăng cường thực phẩm nhiều chất xơ, trái cây và có tính mát, tiêu hóa. NCT cũng không nên dùng thức ăn để lâu trong tủ lạnh, thức ăn tái hay rau sống rửa không kỹ…
Nhắc đến tình trạng một số NCT có xu hướng ở trong nhà và mở máy lạnh để tránh nóng, bác sĩ Trần Mạnh Tuân, Phó Trưởng Khoa Tim mạch lão học (Bệnh viện Lê Lợi) khuyến cáo NCT không nên để nhiệt độ quá thấp, bởi sẽ dễ bị cảm lạnh. Nhiệt độ máy lạnh lý tưởng là không nên để thấp hơn mức dưới 26 độ.
Bên cạnh đó, khi có dấu hiệu mệt mỏi, hay mắc bệnh, NCT cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc tùy tiện. Người bệnh phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình khám, chữa bệnh. “Nhiều NCT có thói quen đi tập thể dục để rèn luyện sức khỏe. Hiện nay, tuy dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát nhưng khi đi tập thể dục, NCT vẫn nên thực hiện các biện pháp giãn cách, không tập trung đông người, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn để bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh”, bác sĩ Tuân lưu ý.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG