KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10

Hạn chế tối đa áp lực cho học sinh

Chủ Nhật, 31/05/2020, 20:53 [GMT+7]
In bài này
.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 ngắn hơn những năm trước. Trước tình hình đó, các nhà trường đã lên kế hoạch giảng dạy, ôn tập để HS lớp 9 có đầy đủ hành trang trước bước ngoặt quan trọng này.

Thời điểm này, HS lớp 9 đang bước vào chặng nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Trong ảnh: HS lớp 9A8, Trường THCS Nguyễn Văn Linh trong tiết Ngữ văn của cô Nguyễn Thị Ngân.
Thời điểm này, HS lớp 9 đang bước vào chặng nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Trong ảnh: HS lớp 9A8, Trường THCS Nguyễn Văn Linh trong tiết Ngữ văn của cô Nguyễn Thị Ngân.

KHÓ TRÁNH KHỎI TÂM TRẠNG LO LẮNG

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT cho hay, kỳ thi tuyển sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn và tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 sẽ gộp chung vào 1 kỳ thi. Dự kiến, ngày 15/7, HS lớp 9 có nguyện vọng dự thi vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sẽ thi các môn chuyên. Trong hai ngày 20-21/7, HS đăng ký dự thi chuyên và dự thi vào các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh sẽ thi 3 môn không chuyên, gồm: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh. Để chuẩn bị cho kỳ thi, ngày 15/5, Sở GD-ĐT đã công bố đề cương ôn tập và ma trận đề của 7 môn chuyên và 3 môn không chuyên. Bà Trần Thị Ngọc Châu nhấn mạnh, đề thi tuyển sinh năm nay sẽ bám sát chương trình tinh giản của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn bảo đảm tính phân hóa để “lọc” HS vào trường chuyên và các trường công lập.

Thầy Trương Văn Hổ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Linh (TP. Vũng Tàu) nhận định, việc tổ chức thi “2 trong 1” góp phần làm giảm áp lực thi cử cho HS, nhất là trong một năm học đặc biệt, phải nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh. Cũng do thời gian nghỉ dài, khi đi học trở lại, HS vừa phải ôn kiến thức cũ, vừa học bài mới nên nếu không chủ động, nỗ lực trong học tập, nhiều em sẽ cảm thấy “đuối” khi kỳ thi tới gần.

Em Phạm Minh Hiếu, HS lớp 9/3, Trường THCS Nguyễn Văn Linh chia sẻ, em dự định đăng ký nguyện vọng vào Trường THPT Vũng Tàu, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. “Chỉ còn 1,5 tháng nữa là kỳ thi diễn ra nhưng chương trình của học kỳ II vẫn chưa hoàn thành nên em cảm thấy khá lo lắng. Đặc biệt là môn Văn, kiến thức tương đối nhiều nên vừa nhớ được các tác phẩm của học kỳ 2, vừa ôn lại các tác phẩm học kỳ 1 thực sự rất vất vả”, Hiếu nói. Để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, ngoài thời gian học chính khóa và học phụ đạo ở trường, Minh Hiếu còn học thêm ở nhà thầy cô, học tại trung tâm, mỗi ngày, em tranh thủ tự học tới 22 giờ và dậy vào lúc hơn 4 giờ sáng để tiếp tục ôn bài.

Còn thầy Nguyễn Văn Đạt, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Đức (huyện Châu Đức) thì cho rằng, chỉ tiêu tuyển sinh cũng là một áp lực với HS lớp 9. Đơn cử như tại huyện Châu Đức, năm học này, toàn huyện có 2.180 HS lớp 9 nhưng chỉ có 1.540 chỉ tiêu lớp 10 công lập. Như vậy, sẽ có khoảng 30% HS phải đi theo những ngã rẽ khác ngoài công lập để tiếp tục sự nghiệp học hành. 

HS lớp 9 đang gấp rút ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Trong ảnh: HS lớp 9A6, Trường THCS Nguyễn Văn Linh trong tiết ngữ văn của cô Lê Thị Phượng.
HS lớp 9 đang gấp rút ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Trong ảnh: HS lớp 9A6, Trường THCS Nguyễn Văn Linh trong tiết ngữ văn của cô Lê Thị Phượng.

ÔN TẬP KHẨN TRƯƠNG, KHOA HỌC

Để HS lớp 9 có được hành trang vững vàng, chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp, thời điểm này, các nhà trường đã bắt đầu tăng tốc giảng dạy và ôn tập. Thầy Nguyễn Văn Đạt cho biết, ngoài học chính khóa vào buổi sáng, nhà trường đã tổ chức cho HS lớp 9 học phụ đạo 3 môn thi vào 3 buổi chiều mỗi tuần. Thời gian còn lại, nhà trường khuyến khích HS tự học và nghỉ ngơi để bảo đảm sức khỏe. Theo kế hoạch, từ ngày 22 đến 26/6, nhà trường sẽ kết thúc chương trình chính khóa, tổ chức kiểm tra học kỳ 2. Sau đó, trường sẽ tăng thời lượng các môn thi vào lớp 10. “Trường THCS Châu Đức sẽ tổ chức thi thử 2 lần để HS được tập dượt, không cảm thấy bỡ ngỡ khi bước vào phòng thi, đồng thời có căn cứ để tư vấn, định hướng cho các em đăng ký nguyện vọng dự thi”, thầy Đạt nói.

Tương tự, từ ngày 18/5, Trường THCS Nguyễn Văn Linh cũng đã tổ chức cho HS học phụ đạo trở lại với thời lượng từ 20-24 tiết/3 môn. Thầy Trương Văn Hổ nhấn mạnh, trong 5 tuần đầu HS đi học trở lại, nhà trường dạy đủ 100% thời lượng tất cả các môn học. Tiếp đó, từ 25/5, nhà trường điều chỉnh chương trình, chuyển 1 tiết chính khóa của môn không thi tuyển sinh lớp 10 sang dạy trực tuyến bằng phương pháp ghi hình, hướng dẫn HS tự học. Điều này nhằm giúp các em chỉ phải học 4 tiết chính khóa, vừa giảm áp lực học tập, vừa bảo đảm sức khỏe trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Về nội dung ôn tập, GV ôn luyện cho HS những kiến thức đã học, làm quen với dạng đề thi, giao bài tập cho các em dựa trên sự phân loại HS để các em đạt được kết quả tốt nhất với khả năng của mình. 

Đối với khối 9, các nhà trường tuyệt đối không cắt xén chương trình hoặc tự cho HS nghỉ học trong khi chương trình chưa kết thúc. Các trường hoàn thành kiểm tra học kỳ II trước ngày 25/6, hoàn thành hồ sơ HS dự xét tốt nghiệp THCS trước ngày 4/7 và công nhận tốt nghiệp THCS  trước ngày 10/7. 
Các trường cần tăng cường ôn tập cho HS lớp 9 trên cơ sở đề cương Sở đã công bố. Việc ôn tập phải bảo đảm phù hợp với đối tượng HS, không gây áp lực cho HS. Các nhà trường cần họp với Ban đại diện cha mẹ HS, thống nhất kế hoạch ôn tập, đảm bảo cho HS có thời gian ôn tập hợp lý tại trường sau khi kết thúc chương trình. Bên cạnh đó, các trường cần quan tâm đến công tác hướng nghiệp và phân luồng cho HS, giúp các em lựa chọn việc tiếp tục tham gia học văn hóa hoặc giáo dục nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS.
(Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)


Về phía GV bộ môn, các thầy cô cũng có định hướng riêng để việc học và ôn tập của HS đạt kết quả cao nhất. Cô Lê Thị Phượng, GV bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Văn Linh khuyên các em nên soạn đề cương để hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy, giúp dễ nhớ, không bỏ sót nội dung trọng tâm. Các em cũng cần có kế hoạch học tập khoa học, rõ ràng. Trên lớp, học phần nào, HS phải nắm chắc phần đó, không để kiến thức chồng chéo. Bên cạnh đó, cần kết hợp làm đề để rèn luyện kỹ năng, rút kinh nghiệm, sửa chữa sai sót để có tâm thế tốt nhất cho kỳ thi sắp tới. Cô Phượng cũng lưu ý HS khi làm bài nên đọc kỹ đề, xác định từ khóa và lập dàn ý bằng sơ đồ nhằm khoanh vùng phạm vi dữ liệu cần sử dụng, các ý cần triển khai. Ngoài ra, HS cũng cần quan tâm thông tin thời sự và các vấn đề xã hội như: tình người trong đại dịch, lòng yêu nước, việc tử tế, tái chế rác thải nhựa…

Cô Hà Thị Sáu, GV Toán, Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP. Vũng Tàu) đánh giá, ma trận đề mà Sở GD-ĐT công bố rất rõ ràng, theo từng chủ đề và các cấp độ vận dụng từ thấp đến cao, phù hợp với tình hình học tập của HS bị gián đoạn. “Đây là giai đoạn tăng tốc ôn tập. Vì vậy, các em hãy tận dụng tối đa quỹ thời gian, sắp xếp khoa học, hợp lý giữa học tập, nghỉ ngơi và thư giãn. Cùng với đó, phụ huynh cần đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với thầy cô và nhà trường để định hướng cho các em trong học tập và lựa chọn nguyện vọng đăng ký dự thi”, cô Sáu nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

 
;
.