- Ông có cái “xì-mát-phôn” đẹp quá! Mới mua hả?
- Mới mua. Mà ông không có gạ gẫm “rửa” nghe, cái này tui mua để hoạt động nghiệp vụ chớ không phải để phục vụ việc ăn chơi.
- Nghiệp vụ gì?
- Nhà báo.
- Hê hê, ông chuyển qua làm nhà báo từ bao giờ thế?
- Quên nói với ông, từ hôm nay tui sẽ làm “nhà báo công dân”.
- Cụ thể là làm… cái giống gì?
- Thấy cảnh đời nào bất công, trái ngang, những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức là tui quay phim, chụp ảnh và… tung lên mạng. Chiêu này lợi hại lắm.
- Biết rồi. Vụ cô bảo mẫu ở Bình Dương chửi rủa, đạp vào người, giật tóc, hắt nước vào mặt cháu bé 3 tuổi trước đây được biết đến và gây xôn xao dư luận cũng là nhờ một “nhà báo nhân dân” quay phim bằng máy điện thoại di động đấy!
- Chứ sao. Thời gian qua, từ những thông tin trên mạng, báo chí và cơ quan chức năng đã điều tra, làm sáng tỏ nhiều vụ việc xấu xí, tiêu cực trong xã hội.
- Ông có suy nghĩ vậy rất tốt, xin được hoan hô ông một phát.
- Có gì đâu, mỗi người một tay, góp phần xây dựng, phát triển xã hội tốt đẹp, văn minh hơn thôi mà.
- Nhưng mà, đã làm thì làm cho tốt, đừng nửa chừng biến chất thành… báo hại, báo đời, không hay đâu nhé!
- Báo hại, báo đời là… sao?
- Là chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật lên mạng xã hội để câu like, câu view, gây hoang mang dư luận. Báo hại, báo đời kiểu ấy có thể bị phạt đến 20 triệu đồng đấy!
SÁU BẾN ĐÌNH