Khu di tích lịch sử văn hóa Đình thần Thắng Tam, TP. Vũng Tàu là nơi lưu giữ 13 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn. Đây là những báu vật, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng quý giá.
Ông Trương Văn Khôi, Trưởng BQL Khu di tích lịch sử Đình thần Thắng Tam thắp nhang ở miếu Ngũ Hành. |
Trong tín ngưỡng dân gian xưa, thờ Thần hay Thành hoàng làng xã, khi được nhà vua phong sắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây là văn bản công nhận chính thức của triều đình về sự hợp pháp của làng, là văn bản mang giá trị văn hóa cội nguồn thiêng liêng cao cả, xác định uy tín danh vọng, tên đất, tên làng. Theo đó, những vị thần được vua ban sắc phong tại Đình thần Thắng Tam đều là những thần được dân làng Thắng Tam tôn kính lập đền thờ tại 3 ngôi: Lăng Ông Nam Hải, Đình Thần và Miếu Ngũ hành nương nương. Những vị thần này đã có công lao giúp nước, cứu dân và trở thành những vị thần hộ mệnh cho dân làng.
Trong 13 sắc phong tại đình thần Thắng Tam, có 3 sắc phong cho 4 vị thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, 3 đạo sắc cho Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân (tức Cá Ông) vào các năm Thiệu Trị năm thứ 5 (1845), Tự Đức năm thứ 3 (1850) với lời phong tặng, như sau: “Thần Từ tế Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân giúp nước cứu dân từng nhiều lần hiển hiện linh ứng”. 3 sắc phong tặng cho Thiên Y A Na với tên đầy đủ là: “Sắc cho thần Thiên Y A NA Diễn ngọc phi tặng thêm là thần Hẳng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng thượng đẳng thần, thần giúp nước cứu dân, từng nhiều lần hiển hiện linh ứng” được phong vào các năm Thiệu Trị năm thứ 5 (1845), Tự Đức năm thứ 3 (1850). 2 sắc phong cho Thủy Long Thần nữ với tên gọi như sau: “Sắc cho Thủy Long thần nữ, nguyên tặng Chiêu ứng Mục uyên Hoằng bắc thượng đẳng thần, giúp nước cứu dân, từng nhiều lần hiển hiện linh ứng” và được phong vào các năm Thiệu Trị năm thứ 5 (1845), Tự Đức năm thứ 3 (1850) và 1 Thần Thành Hoàng Bổn cảnh.
Đáng chú ý nhất là trong đạo sắc của làng Thắng Tam phong vào ngày 29/1 năm Tự Đức thứ 5 (1850) có ghi, như sau: “Sắc cho Thần Thành Hoàng thủ Phước Thắng nguyên thần được tặng là thần Bảo an Chính trực Hựu thiện thần giúp nước, cứu dân, đã nhiều lần hiển hiện linh ứng. Nay tuân theo mệnh trời nghĩ nhớ đến công lao của thần nên gia tặng thêm tước vị là thần Bảo an Chính trực, Hựu thiện Đô ngưng vẫn chuẩn cho thôn Thắng Tam, thủ Phước Thắng, huyện Phước An được thờ phượng như cũ”. Theo văn bản sắc phong này có phong tặng cho thần Thành Hoàng của làng Thắng Tam thuộc thủ Phước Thắng, huyện Phước An (nay thuộc phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu).
Nghi thức thỉnh sắc phong Đình thần Thắng Tam tại lễ hội Nghinh Ông. |
Ông Trương Văn Khôi, Trưởng BQL Khu di tích lịch sử văn hóa Đình thần Thắng Tam, cho biết, để gìn giữ và phát huy giá trị di tích, 13 sắc phong được đựng trong một chiếc hộp sơn son thiếp vàng có khóa, đặt trên trang thờ cao nhất tại ngôi Tiền Hiền và được các ông từ thay phiên nhau gác 24/24 giờ, nhưng vẫn phải gắn thêm thiết bị báo trộm, phòng ngừa nạn đánh cắp cổ vật. Mỗi năm 3 lần lễ hội, gồm: lễ cầu an (17 đến 20/2 âm lịch); lễ Nghinh Ông (từ 16 đến 18/8 âm lịch); lễ cúng miếu bà Ngũ Hành (16 đến 18/10 âm lịch), sắc phong lại được thỉnh về đặt tại ngôi Tiền Hiền của đình với nghi lễ long trọng.
Ngoài 900 câu đối, 158 hoành phi được bài trí trong nội thất của di tích lịch sử văn hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang được bảo tồn, gìn giữ, 17 bản sắc phong gắn liền với hệ thống đình, đền, lăng miếu… và được Bảo tàng tỉnh phiên âm, dịch nghĩa, in ấn và phát hành cuốn “Di sản Hán Nôm trong các di tích lịch sử văn hóa tỉnh BR-VT” vào năm 2014. |
Các sắc phong này đã được nhiều thế hệ lưu giữ cẩn thận và đang được bảo quản tốt ở Đình thần Thắng Tam. Điều trân trọng là BQL Đình thần Thắng Tam đã chụp lại toàn bộ sắc thần, trưng bày để cho người dân và khách du lịch được chiêm ngưỡng.
DUYÊN TÂM - THỤY NHIÊN