Yêu thương từ những lời nhẹ nhàng

Thứ Bảy, 18/04/2020, 08:08 [GMT+7]
In bài này
.

Cứ mỗi lần bị mẹ hay ba lớn tiếng yêu cầu làm một việc gì đó, con gái anh lại mếu máo: “Ba mẹ phải nói nhẹ nhàng thì con mới chịu”. Nếu không được đáp ứng yêu cầu thì con lại càng khóc to hơn. Trái lại, nếu biết ý, ba mẹ nói giọng nhỏ nhẹ thì con liền làm theo với vẻ mặt phấn chấn, vui vẻ.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Em gái tôi đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn chưa lấy chồng. Ông bà ta nói đúng rằng: “Lắm mối tối nằm không”. Nhiều người mối mai, em cũng thử chuyện trò qua lại tìm hiểu. Thế nhưng ai cũng chỉ được vài ba hôm rồi lại lặng ngắt. Hỏi vì sao thì em bảo: “Nói chuyện thấy không hợp. Mới gặp nhau vài ba hôm, chưa gì mà đã “Chúc em ăn cơm ngon miệng! Chúc em ngủ ngon và mơ một giấc mơ đẹp về anh! Nghe mà rợn cả người”. Tôi phì cười, bảo: “Tại người ta muốn nói với dì những lời yêu thương nên mới thế. Điều đó cũng bình thường thôi chứ có gì đâu!”.

Trái với câu chuyện của em gái là chuyện của chị hàng xóm cạnh nhà tôi. Chồng chị đi làm ăn xa, cả năm mới về nhà được một, hai lần. Thế mà chị bảo kể cả những lần nói chuyện qua điện thoại, nhắn tin hay khi về nhà, chẳng bao giờ anh nói với chị được một câu nhẹ nhàng, dễ nghe. Khi nào cũng một “bà” hai “tui”. Nhiều khi vợ chồng cơm không lành canh không ngọt là lại “tao - mày”, rồi thì “con này, con kia”… nghe chán lắm! Chưa kể, mấy đứa con trong nhà, nhiều lần chúng cãi cọ, tranh giành nhau đồ chơi, cũng xưng “tao - mày”, “tui - bà” y chang như ba mẹ. Cũng bởi thế, giờ muốn dạy con, bảo con không nên nói như thế với nhau nữa, đâm ra há miệng mắc quai, thấy khó quá.

Đồng nghiệp ở cơ quan tôi, nhắc đến thầy Tịnh là ai nấy đều phải gật gù khen lấy khen để. Dù ở quán cà phê hay ở nhà, hai vợ chồng đều xưng hô với nhau rất “ngọt”. Nào thì “chồng ơi, vợ à”, nào thì “anh ơi, em ơi” rồi cả khi gọi thay con như “ba ơi, mẹ ơi”,… Nhiều người chọc ghẹo, bảo: “Vợ chồng này hay thật. Con cái lên lớp 9, lớp 10 rồi mà cứ như vợ chồng son ấy!”. Những hôm cà phê chỉ có các đấng mày râu với nhau, Tịnh thành thật: “Vợ chồng tớ chẳng khi nào cãi nhau. Mà có giận nhau thì cũng chẳng được lâu vì mỗi lần nghe vợ xưng hô nhẹ nhàng, yêu thương như thế là đâu lại vào đấy”. Anh nói rồi cười khà khà khiến ai cũng ngưỡng mộ.

Những lời nói yêu thương, nhẹ nhàng, ai mà chẳng muốn nghe. Chúng ta đã không tiếc những câu từ ngọt ngào dành cho cô gái mà mình yêu mến. Chúng ta sẵn sàng dùng lời ngợi ca hết mực cho một bộ phim, một nhân vật hay con vật mà mình yêu quý. Chúng ta cũng thường dành những từ ngữ mỹ miều nhất cho một món ăn, một nhà hàng, một cửa tiệm sang trọng mà ta lần đầu đặt chân tới. Nhưng… đã bao giờ chúng ta dành lời yêu thương, nhẹ nhàng cho ba mẹ, những người đã có công sinh thành, dưỡng dục ta nên người?

Nhiều người cho rằng, nói lời yêu thương với ba mẹ là khách sáo, chẳng khác nào xem ba mẹ như người ngoài. Chỉ cần mua cho ba mẹ những gì ba mẹ thích là đủ rồi... Bạn thử một lần nói câu “Con yêu mẹ”. Hãy thử một lần nói “Con nhớ ba”. Hay dành lời khen cho chiếc váy vợ bạn mặc sáng nay đi làm… Tôi tin, nếu chúng ta mở lòng nói những lời yêu thương, nhẹ nhàng thì mỗi trái tim sẽ đều được sưởi ấm và hạnh phúc gia đình cũng sẽ ngày càng thêm đong đầy.

Những lời nói yêu thương, nhẹ nhàng cơ hồ chẳng có gì khó nói, ấy vậy mà đối với nhiều người, nó lại là một điều không hề dễ. Nói lời yêu thương cũng chẳng nên quá hoa mỹ, sáo rỗng mà cần sự chân thật, chân thành. Nếu những lời nói yêu thương nhẹ nhàng đều trở thành thói quen hàng ngày của mọi người, tôi tin rằng mỗi người chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời này thật hạnh phúc và đáng sống biết bao!

XANH NGUYÊN

;
.