Tiếp thêm động lực cho người khuyết tật
Thời gian qua, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật (NKT) được triển khai đồng bộ đến các địa phương. Nhờ đó, NKT có thêm niềm tin, động lực vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.
Anh Nguyễn Công Tiến sửa máy xay bột cho khách hàng. |
Cơn sốt nặng năm 1 tuổi đã khiến hai chân và cánh tay phải của anh Nguyễn Công Tiến (SN 1968, KP.Hải Sơn, phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) mất cảm giác rồi teo dần. Hoàn thành bậc THSC, anh quyết định nghỉ học để theo nghề sửa xe máy. Vừa làm, anh vừa học thêm nghề hàn - tiện. Trong quá trình làm việc, nhận thấy nhu cầu sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp của người dân rất cao, vậy là anh mở thêm tiệm hàn nhỏ vào năm 2000. Mỗi năm mở rộng thêm một chút, đến nay, tiệm hàn nhỏ đã được mở rộng hơn 2.000m2 mang tên Công Tiến với đầy đủ các loại máy hàn, máy tiện... chuyên sửa chữa các loại xe kéo, máy cày. Xưởng cơ khí này hiện mang lại cho anh khoản thu nhập ổn định hơn 120 triệu đồng/năm.
Tháng 3/2019, qua sự giới thiệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội (NNCĐDC và BTXH) TX. Phú Mỹ, anh Tiến được vay 30 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT của Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh để mua thêm máy móc, thiết bị mở rộng xưởng, mang lại nguồn thu nhập tương đối. Ngoài ra, xưởng cơ khí của anh tạo việc làm ổn định cho 4 lao động, với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, anh còn dạy nghề miễn phí cho nhiều lao động tại địa phương, một số người sau khi giỏi nghề đã mở được tiệm riêng. “Trong quá trình hoạt động, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm động viên về tinh thần và hỗ trợ vốn. Đó là nguồn cổ vũ để tôi tạo lập được cơ ngơi như hiện nay”, anh Tiến chia sẻ.
Cùng với ý chí, nghị lực của bản thân NKT, sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, DN, gia đình và cộng đồng là yếu tố quan trọng giúp NKT tật tự tin, sống khỏe, sống có ích. Thông qua nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng đối với NKT, giúp họ ổn định cuộc sống. Trong ngôi nhà mới được Công ty TNHH MTV XSKT tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng xây tặng tháng 12/2019, bà Trần Thị Định (SN 1958, ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) xúc động nói: “Ước mơ của bà cháu tôi về một căn nhà vững chãi đã thành hiện thực. Đây là động lực giúp tôi vượt qua hoàn cảnh khó khăn, yên tâm chăm lo cho các cháu”. Chồng bà Định mất cách nay 8 năm. Hiện bà đang nuôi 2 cháu ngoại do con gái sau khi ly hôn đã lập gia đình mới, trong đó em Nguyễn Minh Trí (SN 2012) bị khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ. Dù tuổi đã cao, bà vẫn phải đi làm thuê, làm mướn để có tiền nuôi 2 cháu.
Theo thống kê của Sở LĐTBXH, toàn tỉnh có 12.234 NKT, trong đó có 9.784 NKT được hưởng trợ cấp hàng tháng, 582 NKT đang được nuôi dưỡng tại 4 cơ sở bảo trợ xã hội; 989 NKT có việc làm ổn định; gần 10.000 NKT đã được cấp thẻ BHYT.
|
Bên cạnh đó, với phương châm xã hội hóa công tác chăm sóc và trợ giúp NKT, những năm qua các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã trao tặng hàng ngàn chiếc xe lăn, xe lắc, hỗ trợ tiền làm chân giả, nẹp cho NKT. Nhiều NKT cũng đã được tài trợ chi phí phẫu thuật, trợ giúp pháp lý... Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh cho biết, để tạo cơ hội cho NKT vươn lên, các cấp Hội trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành liên quan đi thực tế để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NKT. Từ đó đồng hành và hỗ trợ cho NKT trong cuộc sống, đặc biệt là việc đào tạo, dạy nghề, tư vấn tuyển dụng lao động, tư vấn về kỹ năng sống… Hội cũng rà soát, phân loại từng đối tượng NKT trên địa bàn tỉnh để có hướng trợ giúp thông qua việc làm cầu nối giúp NKT vay vốn để thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu, khả năng của NKT. Từ đó, NKT có thêm niềm tin, bản lĩnh, nghị lực để vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống và vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Bài, ảnh: PHI DŨNG