"Tiếp sức" học và thi thời COVID-19
Để ứng phó với kỳ nghỉ kéo dài do dịch bệnh, ngày 27/3, Sở GD-ĐT và Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến học tập, hướng nghiệp cho HS. Chương trình đã góp phần “tiếp sức” cho các em vững bước trong học tập và lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.
Giờ học qua truyền hình của em Nguyễn Trần An Nhật, HS lớp 9.2, Trường THCS Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu. Ảnh: TRÀ NGÂN |
HỌC TẠI NHÀ SAO CHO HIỆU QUẢ?
Tương tác tại buổi tư vấn trực tuyến, em Hồng Đào, HS lớp 10HN, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Vũng Tàu) băn khoăn: “Nếu không có phương tiện như máy tính, điện thoại thông minh, trong khi tiệm Internet cũng đóng cửa do dịch bệnh thì chúng em có thể học trực tuyến bằng cách nào?”. Em Đỗ Văn Hiệp, HS lớp 11A3, Trường THPT Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc) cũng bày tỏ: “Thời gian này, một số bạn còn phải đi làm phụ ba mẹ thì cần làm gì để không bỏ lỡ các tiết học trực tuyến?”…
Giải đáp thắc mắc của HS, ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, “kỳ nghỉ lịch sử” còn tiếp tục kéo dài. Do vậy, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà trường triển khai dạy-học trực tuyến và trên truyền hình. Các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình cụ thể để lựa chọn phần mềm phù hợp tổ chức dạy trực tuyến, xây dựng các chuyên đề theo bài học để ôn tập, hoặc dạy bài mới. Gia đình nào không có phương tiện cho các em học trực tuyến có thể liên hệ để học chung với bạn bè ở gần nhất và không quá 2 em/máy hoặc theo dõi bài giảng trên truyền hình. Các em có thể linh động thời gian để theo dõi và tiếp thu kiến thức qua nhiều kênh chuyển tải khác nhau.
“Hiện nay, Sở đã triển khai chương trình dạy học trên Đài PT-TH tỉnh (BRT) với 3 bộ môn: Toán, ngữ Văn, tiếng Anh cho HS 2 khối lớp 9 và 12. Ngoài ra, các em cũng có thể theo dõi bài giảng của các khối lớp trên đài truyền hình của một số địa phương khác. Nếu HS không có bất cứ phương tiện nào để tiếp cận, nhà trường, GV chủ nhiệm, GV bộ môn có phương án cung cấp tài liệu để các em ôn tập”, ông Ba nhấn mạnh.
Về lịch học trực tuyến, các nhà trường thông báo tới từng phụ huynh, HS để gia đình tạo điều kiện và nhắc nhở các em sắp xếp vào học đúng giờ. Khi đi học lại, nhà trường sẽ khảo sát, kiểm tra để nắm bắt kiến thức các em tiếp thu được sau quá trình học trực tuyến. Từ đó có kế hoạch hỗ trợ những em không tiếp cận được phương thức học trực tuyến hoặc chưa nắm vững kiến thức.
Còn theo TS. Đào Lê Hòa An, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng Việt Nam Bách nghệ thực hành, tiết học trực tuyến có nhiều ưu điểm nhưng sự ràng buộc không bằng học trực tiếp trên lớp nên cần tăng cường tương tác trong quá trình học. GV có thể sử dụng các ứng dụng để quản lý lớp, tương tác với HS. Khi giảng dạy được khoảng 5-10 phút, GV nên dừng lại đặt câu hỏi, cho HS thời gian suy nghĩ và trả lời để đánh giá các em có lắng nghe, có hiểu bài hay không. Để dạy-học trực tuyến hiệu quả, GV nên giao cho HS tìm hiểu trước nội dung bài học bằng nhiều nguồn khác nhau, còn thầy cô là người định hướng, truyền cảm hứng cho các em. Những nội dung chưa trao đổi được trong tiết học trực tuyến, các em nên chủ động nhắn tin, gọi điện cho thầy cô bộ môn để được hướng dẫn, giải đáp.
XÁC ĐỊNH “ĐIỂM RƠI PHONG ĐỘ”
Em Phạm Thị Phương Linh, HS lớp 12A7, Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Châu Đức) chia sẻ: “Kỳ thi THPT Quốc gia đã tới gần nhưng tới giờ em vẫn chưa biết mình nên chọn ngành nghề nào. Em cũng không biết mình cần chuẩn bị những gì cho kỳ thi quan trọng sắp tới”.
“Gỡ rối” cho Phương Linh cùng nhiều HS khác, TS. Đào Lê Hòa An cho hay, HS cuối cấp cần quan tâm tới khái niệm “điểm rơi phong độ”. “Hiểu một cách đơn giản nhất, đó là thời điểm "phong độ" của bản thân ở mức cao nhất. Điều đó có nghĩa là, các bạn hãy "canh" sao cho tới đúng ngày thi, "phong độ" đạt trạng thái tối ưu nhất”, TS. Hòa An lý giải. Để làm được điều này, HS phải có tâm lý vững vàng. TS. Hòa An cho biết, trong một cuộc khảo sát với hơn 2.000 HS lớp 12 tại TP. Hồ Chí Minh, có tới hơn 90% HS trả lời: “Em sẽ nghỉ ngơi, thư giãn trước kỳ thi”. Thế nhưng, khảo sát thực tế lại có hơn 85% trong số các bạn đó “cắm đầu cắm cổ” học ngày học đêm và không còn chút tâm lý nào để bước vào kỳ thi.
Theo ông An, để giải quyết “trở ngại” tâm lý, HS phải tư duy tích cực, hãy nghĩ: “Mình rất tự tin chào đón kỳ thi! Vũ khí của mình là kiến thức. Đề có thế nào thì mình cũng có thể đối phó được”. Thứ hai, hãy suy nghĩ sẽ cố gắng hết khả năng để thoải mái hơn khi đối mặt với kỳ thi. Vào những ngày gần thi (tốt nhất là khoảng 1-2 tuần trước thi), các em nên ăn nhiều thực phẩm giúp tăng cường trí nhớ. Các em cần tập thói quen thức dậy sớm để đến ngày thi không cảm thấy mệt mỏi. Để củng cố kiến thức, kỹ năng, các em nên tạo các nhóm học tập, chia sẻ kinh nghiệm học và thi các môn.
Về việc lựa chọn ngành nghề, TS. Hòa An cho hay, chọn ngành nghề giống như có một tam giác cân với 3 cạnh là: Đam mê, Khả năng, Nhu cầu nguồn nhân lực. Đam mê chỉ đáp ứng 1 phần yêu cầu ngành nghề, quan trọng là khả năng có đáp ứng yêu cầu công việc hay không. Và đặc biệt là ngành nghề đó có còn tồn tại, có “hot” trong tương lai hay không. Trong tương lai, sẽ có sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới và sự mất đi của nhiều ngành truyền thống. Chẳng hạn, các ngành nghề về văn phòng, lao động thủ công và bán thủ công sẽ có ít nhu cầu hơn. Trong khi đó, những ngành nghề liên quan tới sáng tạo (thiết kế, phân tích…), logistic sẽ xuất hiện… Khi đã xác định được 3 “cạnh” này, các em hãy so sánh với bản thân để đưa ra lựa chọn và quyết định thông minh.
HOÀNG DƯƠNG