Thầy giáo sáng chế máy đo thân nhiệt, sát khuẩn tay tự động

Thứ Sáu, 24/04/2020, 22:09 [GMT+7]
In bài này
.

Trong 2 tuần giãn cách xã hội, thầy Bùi Minh Thảo, giảng viên khoa Điện-Tự động hóa, Trường CĐ Dầu khí cùng 2 “cộng sự” của mình là Đỗ Thành Đạt, HS lớp 11A2 và Huỳnh Công Hiếu, HS lớp 11A3, Trường THPT Trần Văn Quan (huyện Long Điền) đã cho “ra đời” chiếc máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn tự động.

Thầy Bùi Minh Thảo và em Đỗ Thành Đạt vận hành chiếc máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn không tiếp xúc có tính năng tự động.
Thầy Bùi Minh Thảo và em Đỗ Thành Đạt vận hành chiếc máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn không tiếp xúc có tính năng tự động.

THIẾT BỊ “2 TRONG 1”

Hết thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi mới có dịp được “mục sở thị” chiếc máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn không tiếp xúc có tính năng tự động đang khá nổi tiếng trên mạng xã hội của thầy Bùi Minh Thảo và 2 học trò. Chiếc máy có cấu tạo đơn giản lại tích hợp 2 chức năng và có tới 4 cách vận hành.

Thầy Bùi Minh Thảo chia sẻ, thực tế phòng chống dịch COVID-19 cho thấy khi muốn kiểm tra thân nhiệt người khác, cần phải cầm nhiệt kế, đứng ở cự ly gần mới có thể tiến hành đo. Bên cạnh đó, việc rửa tay sát khuẩn cũng là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch bệnh. “Vì lý do đó, tôi đã nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc máy tích hợp được cả 2 chức năng đo thân nhiệt và tự động phun dung dịch rửa tay sát khuẩn. Máy có 2 phần chính là đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn không tiếp xúc. Điều đó có nghĩa là chiếc máy này được điều khiển, vận hành từ xa, giúp mọi người hạn chế tiếp xúc gần”, thầy Thảo giải thích.

Bộ phận đo thân nhiệt của máy gồm 1 nhiệt kế hồng ngoại (sai số +_0,2 độ), cảm biến xác định chiều cao, cảm biến xác định có người vào đo, cảm biến đo khoảng cách từ trán người tới nhiệt kế để cho kết quả chính xác, cùng màn hình hiển thị kết quả đo. Kết quả này có thể hiển thị cùng lúc trên nhiều thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh qua kết nối mạng không dây (wifi). Còn bộ phận rửa tay sát khuẩn không tiếp xúc gồm ống chứa dung dịch sát khuẩn có dung tích 2 lít và cảm biến để nhận biết bàn tay. Máy được lập trình để tự động đo thân nhiệt khi có người đứng trước máy. Sau khi đo thân nhiệt, máy sẽ “nhắc” người đo tiếp tục thực hiện việc rửa tay. Khi có người đưa tay vào bộ phận rửa tay sát khuẩn, dung dịch sẽ được phun tự động mà không cần nhấn nút.

Về cách thức vận hành, người dùng có thể sử dụng một trong 4 cách thức: dùng điều khiển từ xa (remote), điện thoại, laptop để điều khiển hoặc bật chế độ đo tự động. Người dùng có thể thay đổi chế độ bằng cách xoay nút.

THẦY TRÒ “HỢP SỨC” ĐẨY LÙI COVID-19

Trong quá trình chế tạo máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn không tiếp xúc có tính năng tự động, công đoạn khó khăn nhất là tìm mua thiết bị, linh kiện. “Do đang trong thời gian giãn cách xã hội nên việc mua thiết bị rất khó khăn. Tôi phải đặt mua trên nhiều trang thương mại điện tử mới có đủ thiết bị phục vụ việc chế tạo máy. Bên cạnh đó, giai đoạn này, thiết bị, linh kiện tương đối khan hiếm, giá cả khá cao nên chi phí sản xuất máy lên tới 6 triệu đồng”, thầy Thảo nói.

Không chỉ vậy, do yêu cầu giãn cách xã hội, thầy và hai “cộng sự” chỉ có thể trao đổi, thảo luận với nhau qua mạng xã hội. Thầy trò thống nhất phương án thực hiện, phân công công việc để triển khai một cách hiệu quả. Thầy Bùi Minh Thảo cho hay, Đỗ Thành Đạt và Huỳnh Công Hiếu là hai thành viên trong CLB Khoa học Kỹ thuật Bà Rịa-Vũng Tàu PCS do thầy làm chủ nhiệm. Nhận thấy 2 em có năng lực và đam mê, thầy Thảo đã nêu ý tưởng để các em cùng tham gia. Trong quá trình bàn bạc, các em đã đưa ra những sáng kiến, ý tưởng hay để cùng thầy giải quyết các “bài toán” như làm sao xác định được chiều cao người đứng vào hay tìm các loại cảm biến phù hợp.

Đỗ Thành Đạt, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Em đảm nhiệm việc lên phương án chọn linh kiện còn Hiếu thiết kế phần khung máy. Tụi em rất vui khi đã dùng những ngày giãn cách xã hội có ý nghĩa và đóng góp một phần nhỏ bé của mình để tìm ra giải pháp đẩy lùi dịch bệnh”.

Sắp tới, khi HS đi học trở lại, chiếc máy của ba thầy trò sẽ được “chạy” thử tại Trường CĐ Dầu khí (TP. Bà Rịa) và Trường THPT Trần Văn Quan (huyện Long Điền). “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để chiếc máy ngày càng hoàn thiện”, thầy Thảo chia sẻ.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

;
.