Tai nạn đuối nước ở trẻ em: Vẫn trong tình trạng báo động

Thứ Năm, 23/04/2020, 07:42 [GMT+7]
In bài này
.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước khiến 7 trẻ em tử vong. Đây là hồi chuông báo động về công tác phòng, chống tai nạn thương tích với trẻ em, đặc biệt là phòng chống đuối nước.

  Một số biển cảnh báo khu vực nguy hiểm đề phòng đuối nước do Sở LĐTBXH và địa phương lắp đặt tại huyện Đất Đỏ.
Một số biển cảnh báo khu vực nguy hiểm đề phòng đuối nước do Sở LĐTBXH và địa phương lắp đặt tại huyện Đất Đỏ.

CHỈ VÌ MỘT PHÚT SƠ SỂNH

Hơn 1 tháng trôi qua kể từ ngày 2 con tử vong do đuối nước, căn nhà của gia đình chị Y. (ở khu phố Phước Lộc, phường Tân Phước, TX. Phú Mỹ) vẫn bao trùm không khí u buồn. Cố kìm nén nỗi đau, chị Y. kể: Ngày 8/3, chỉ trong khoảng 15-20 phút chị lơ đễnh do mải soạn hàng, 2 con chị là T. (SN 2015) và T.T. (SN 2017) chở nhau ra nghĩa địa Phước Lộc chơi. Thời điểm đó, một hộ dân có đào huyệt sẵn, trong huyệt có chứa nước để trộn hồ. Không may 2 con chị rơi xuống hố, khi được tìm thấy thì 2 cháu đã tử vong...  

Đây chỉ là 1 trong số hàng chục vụ đuối nước ở trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Theo thống kê của Sở LĐTBXH, năm 2019, toàn tỉnh có 24 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 11 trường hợp bị đuối nước. 4 tháng đầu năm 2020 đã có 8 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có đến 7 ca do đuối nước và hầu hết đều xảy ra vào thời điểm HS không phải đến trường do nghỉ học để phòng tránh dịch COVID-19.

Bà Trương Thị Ánh Ngà, Phó Trưởng Phòng Chăm sóc, Bảo vệ trẻ em (Sở LĐTBXH) cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em chưa đầy đủ, thậm chí có phần xem nhẹ. Một số phụ huynh do bận làm ăn, ít dành thời gian để chăm sóc, giám sát con cái. Bên cạnh đó, môi trường sống của trẻ, đặc biệt là trẻ em ở vùng nông thôn còn nhiều rủi ro, chưa an toàn. Nhiều khu vực có ao, hồ, sông suối nguy hiểm nhưng không đặt biển cảnh báo. Trong khi đó, trẻ em với bản tính hiếu động, thích khám phá, chưa nhận thức đầy đủ về mối nguy hiểm xung quanh, thiếu kỹ năng bơi lội và cứu đuối nên dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm. 

Bên cạnh đó, hiện nay, công tác phòng, chống tai nạn ở trẻ em còn nhiều hạn chế. Hàng năm, Sở đều có kế hoạch dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở cộng đồng, nhưng số lượng chưa nhiều, chưa bao quát hết được đối tượng trẻ dưới 16 tuổi (năm 2019, toàn tỉnh tổ chức được 77 lớp phổ cập bơi miễn phí cho 2.330 em từ 7 đến dưới 16 tuổi ở các vùng có sông, ao, hồ… trong tổng số hơn 268 ngàn trẻ trên địa bàn tỉnh). Đồng thời, thời hầu hết các trường TH, THCS cũng chưa có hồ bơi và công tác dạy bơi cho HS còn nhiều trở ngại. 

CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Theo ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, trước thực trạng đáng báo động trẻ tử vong do đuối nước, Sở đã có công văn đề nghị các phòng chuyên môn phối hợp với các hội, đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân và trẻ em. Bên cạnh đó, Sở cũng khuyến khích tăng cường công tác dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại cộng đồng, trường học, ưu tiên hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tích cực vận động các nguồn lực hỗ trợ công tác phổ cập bơi cho trẻ em tại khu vực vùng xa, điều kiện khó khăn.

Bên cạnh đó, để công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho HS đạt hiệu quả, Sở GD-ĐT cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Phòng GD-ĐT, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc quan tâm công tác dạy bơi trong nhà trường. Các đơn vị đã được Nhà nước đầu tư xây dựng hồ bơi phải đưa môn bơi lội vào chương trình thể dục chính khóa. Các trường được đầu tư hồ bơi theo hình thức xã hội hóa thì khuyến khích HS, vận động phụ huynh cho con em học bơi. Đối với các cơ sở chưa được đầu tư hồ bơi, nhà trường phối hợp với phụ huynh tổ chức cho các em học bơi ở các cơ sở dạy bơi ngoài nhà trường; thực hiện giảm học phí đối với con em các gia đình chính sách, hộ nghèo… để tạo điều kiện phổ cập bơi cho trẻ em.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.