Bệnh Thalassemia hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS) do tan máu di truyền. Chất lượng cuộc sống của người bệnh thấp, tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, cha mẹ hãy thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai nòi giống.
Bệnh Thalassemia có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động...
Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số, mang gene bệnh tan máu bẩm sinh. Trong đó, đồng bào dân tộc miền núi chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20-40%. Mỗi năm có khoảng hơn 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh, trong đó khoảng hơn 2.000 trẻ bị bệnh nặng.
Một trong những nguyên nhân tỷ lệ người dân mang gene bệnh tan máu bẩm sinh ở vùng miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm cao là do kết hôn cận huyết. Riêng 6 dân tộc chủ yếu ở miền núi phía bắc như Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao và H’Mông thì tỷ lệ mang gene và mắc bệnh khá cao như: 26,1% ở dân tộc Tày; 25,5% dân tộc Dao, 24,7% dân tộc Nùng… Đặc biệt, tại Sơn La, dân tộc Xinh Mun có tỷ lệ mang gene bệnh rất cao, lên tới hơn 80%. Tại các địa bàn này, ước tính mỗi năm, khoảng 100.000 trẻ ra đời thì có khoảng 250 trường hợp thai nhi bị phù (không thể sống), khoảng 200 trẻ bị bệnh ở mức độ trung bình đến nặng - là những bệnh nhân sẽ phải điều trị cả đời.
MINH HIỀN