.
KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY MIỀN NAM GIẢI PHÓNG (30/4/1975 - 30/4/2020)

Con đường gắn liền với những chuyến tàu "không số"

Cập nhật: 21:23, 22/04/2020 (GMT+7)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nếu đường Hồ Chí Minh trên bộ được coi là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” thì đường Hồ Chí Minh trên biển lại gắn liền với hình ảnh không thể nào quên của những con tàu “không số” đầy bí ẩn.

Tàu HQ-671 là con tàu “không số” duy nhất còn lại trong số những con tàu làm nên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Trong kháng chiến chống Mỹ mang số hiệu 641. Ảnh tư liệu
Tàu HQ-671 là con tàu “không số” duy nhất còn lại trong số những con tàu làm nên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Trong kháng chiến chống Mỹ mang số hiệu 641. Ảnh tư liệu

CON ĐƯỜNG VIẾT NÊN TRANG SỬ VÀNG

Ngày 23/10/1961, Bộ Chính trị quyết định mở tuyến đường biển Bắc - Nam, một hướng vận tải mới chi viện cho những chiến trường trọng yếu ven biển phía Nam khi đường bộ chưa vươn tới. Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn 759 (nay là Lữ đoàn 125) - đơn vị đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ vận tải vũ khí, hàng hóa vào chiến trường miền Nam bằng những con tàu “không số”. Đường Hồ Chí Minh trên biển và tàu “không số” ra đời từ đây. 

Trong điều kiện tác chiến độc lập, mưa bão, sóng gió giữa biển khơi và sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù, hình thành một đường vận tải trên biển không hề đơn giản. Vì vậy, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo sâu sát, chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng về mọi mặt: Cử nhiều chuyến tàu vượt biển thăm dò; nghiên cứu quy luật thiên nhiên, đặc biệt là hoạt động của địch trên biển; xác định tuyến đường, phương thức vận chuyển; chỉ đạo các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ khẩn trương chuẩn bị bến bãi cho tàu cập bến; tuyển chọn, huấn luyện cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm hậu cần cho những chuyến đi… 

Đêm 11/10/1962, tại bến K15 Đồ Sơn, Hải Phòng, chiếc tàu gỗ gắn máy “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí đầu tiên chi viện cho chiến trường miền Nam lặng lẽ rời bến, rẽ sóng hướng về phương Nam. Sau 9 ngày lênh đênh, tàu “Phương Đông 1” cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Tiếp đó, là những chuyến tàu chở vũ khí, hàng hóa cập các bến an toàn: Cồn Tàu, Rạch Giá, Lộ Diêu, Thạnh Phong, Vũng Rô, Lộc An, Đức Phổ, Sa Kỳ, Lộc An… 14 năm (1961-1975), Đoàn 759 thực hiện 1.789 chuyến, đưa vào Nam 152.876 tấn vũ khí, thiết bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh; đưa đón 80.026 lượt cán bộ, chiến sĩ, trong đó có hàng trăm cán bộ cao cấp; vượt gần 4 triệu hải lý an toàn. Nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại do tàu không số đưa vào làm đối phương bất ngờ, hoang mang “Vũ khí của Việt cộng vượt ra ngoài tất cả các ước tính của chúng ta” và liên tiếp những trận đánh, những chiến dịch làm kẻ thù khiếp sợ: Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Dầu Tiếng, Bình Giã, Đồng Xoài. 

Âm thầm, lặng lẽ vận chuyển sức người, sức của vào Nam, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển phải chịu đựng biết bao nguy hiểm, gian nan. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, cam go: 30 lần bị tàu địch bao vây, hơn 1.200 lần máy bay oanh tạc, 30 cơn bão ập đến… Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 không chùn bước, những chuyến tàu vẫn tiến về Nam. 14 năm ròng rã, trong trang sử vàng còn ghi lại những mất mát, hy sinh không hề nhỏ: 117 cán bộ, chiến sĩ vĩnh viễn yên nghỉ dưới lòng đại dương. Khi “đấu trí không nổi, đọ sức không thắng, hết đường quay về, thì bằng lòng can đảm và ý chí quật cường phá tàu để xóa hết tang vật” và 8 con tàu không số vĩnh viễn nằm lại trong lòng đại dương…

Di tích Bến Lộc An (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc), một trong những điểm đến của những chuyến tàu không số. Ảnh: ĐỨC NGUYÊN
Di tích Bến Lộc An (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc), một trong những điểm đến của những chuyến tàu không số. Ảnh: ĐỨC NGUYÊN

TƯỢNG ĐÀI BẤT DIỆT

Những người bên kia chiến tuyến từng thừa nhận: Đường Hồ Chí Minh trên biển “là một hiện tượng kỳ lạ, vượt qua cả sự tưởng tượng thông thường”, “đối phương sử dụng biển khơi một cách thành thạo, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển. Bắc Việt đã biết khai thác biển khơi một cách thực tiễn hơn ta”.

Con đường chiến lược trên biển với những chiến công hiển hách đã trở thành biểu tượng ý chí chiến đấu, đức hy sinh và sự sáng tạo tuyệt vời của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Năm tháng trôi qua, nhưng chiến công của các anh là tượng đài bất tử. Tên tuổi các anh mãi gắn liền với con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại và những bài ca hùng tráng theo cùng thời gian. 

Những dấu tích còn lại của đường Hồ Chí Minh trên biển hiện là những bến cảng, lạch sông, cửa biển. Ngày nay, du khách về Hải Phòng nhớ ghé thăm Bến K15 - điểm khởi đầu của những con tàu không số; về Cà Mau nhớ thăm Vàm Lũng - nơi con tàu không số đầu tiên cập bến, đến Bà Rịa - Vũng Tàu nhớ ghé Lộc An - bến tiếp nhận 3 chuyến tàu không số với hàng trăm tấn vũ khí, để làm nên chiến dịch Bình Giã lừng danh. Bạn cũng dành một chút thời gian ghé Bảo tàng Hải quân - nơi còn neo đậu con tàu không số huyền thoại duy nhất… Lớp bụi thời gian dẫu có dày thêm, nhưng những kỳ tích xây đắp bằng trí tuệ, lòng yêu nước, khát vọng và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” vẫn mãi tỏa sáng. 

HÀ NGUYỄN

 
.
.
.