Với mong muốn không để HS nghèo bị bỏ lại phía sau, các cơ sở giáo dục, các tổ chức đã triển khai nhiều chương trình vận động tài trợ trang thiết bị để những HS có hoàn cảnh khó khăn được học trực tuyến và xa hơn nữa là có điều kiện học tập tốt hơn.
Em Nguyễn Trần Văn Lộc, HS lớp 9/3 Trường THCS Vũng Tàu (giữa) nhận máy tính từ nhà hảo tâm. |
NHỮNG HÀNH TRÌNH ĐẦY XÚC CẢM
Men theo con đường dốc gồ ghề đá sỏi ở hẻm 228/45, Phan Chu Trinh, Phường 2, chúng tôi cùng lãnh đạo, GV, Ban đại diện cha mẹ HS Trường TH Hạ Long (TP. Vũng Tàu) tìm tới nhà em Trần Minh Hải, HS lớp 1E. Nhà Hải khuất sau vài ngôi nhà tạm khác, nằm chênh vênh trên sườn núi. Nhác thấy bóng chúng tôi, cậu bé mặc độc chiếc quần cộc chạy ùa ra reo lên: “A! Cô Hoa! Con chào cô!” (cô Hoa là GV chủ nhiệm của Hải).
Rồi cậu bé thoăn thoắt dẫn đường, đưa chúng tôi bước lên những bậc thang cao và dốc dẫn vào nhà em. Ngôi nhà tạm được dựng bằng gạch mộc và những tấm tôn rỉ sét do bố em xin về sau mỗi lần đi phụ hồ cho các công trình xây dựng. Trong nhà ngổn ngang những đồ dùng cũ kỹ được nhặt nhạnh về vì “cũ người mới ta”. Nắng thi nhau lùa vào nhà qua lỗ thủng trên những tấm tôn làm cho không khí trong nhà càng thêm nóng bức. Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, mẹ Hải bối rối tìm mãi không ra bộ quần áo nào tươm tất nên cuối cùng phải thay cho con bộ đồng phục cũng không còn mới.
Đại diện Ban Giám hiệu và Hội cha mẹ HS Trường TH Hạ Long (TP. Vũng Tàu) đến tặng máy tính xách tay cho em Trần Minh Hải, HS lớp 1E. |
Gần 3 tháng nay, chị Hằng không theo chồng đi phụ hồ mà phải ở nhà trông 3 con trai đang nghỉ học “để tránh COVID-19”. Cũng chừng đó thời gian, trong khi các bạn cùng trang lứa được học trực tuyến thì Hải chỉ quanh quẩn với 2 đứa em mới 2, 3 tuổi trong căn nhà chưa đầy 20m2. Hôm nay, đại diện nhà trường và Hội cha mẹ HS đến thăm, tặng Hải 1 chiếc máy tính xách tay để em có thể học trực tuyến như các bạn. Chị Hằng, mẹ Hải nghẹn ngào nói không nên lời. Với chị, việc sắm sửa cho con chiếc máy vi tính là điều ngoài tầm với, bởi chỉ riêng việc lo cho các con đi học đối với vợ chồng chị đã rất khó khăn. Nhận được chiếc máy tính, Hải mân mê mãi những phím bấm rồi cẩn thận cất máy vào túi đựng, ôm vào lòng. “Con vui lắm!”, Hải rơm rớm nước mắt khiến các thành viên trong đoàn cũng không nén nổi xúc động. Cũng như Hải, trong dịp này, 9 HS có hoàn cảnh khó khăn khác đã được nhà trường tặng máy tính để học trực tuyến từ nguồn đóng góp của phụ huynh toàn trường.
Tương tự như Trường TH Hạ Long, tại Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu), từ đầu tháng 3 đến nay, Ban Giám hiệu, GV nhà trường cũng đã có những cuộc hành trình đầy cảm xúc như thế, để đem máy tính đến với HS nghèo. Từ đầu tháng 3, nhà trường đã gửi thư ngỏ vận động sự ủng hộ của phụ huynh. Đến nay, toàn bộ 24 HS chưa có thiết bị học trực tuyến đều đã được nhà trường đến tận nhà trao máy, hướng dẫn sử dụng, thậm chí “kéo mạng” hoặc tặng sim 4G...
Cô Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Vũng Tàu chia sẻ: “Đi tới từng nhà, chứng kiến hoàn cảnh riêng của từng em, chúng tôi không khỏi xúc động. Có lúc, cả người trao và người nhận đều rưng rưng nước mắt, không nói thành lời…”. Sau những chuyến đi của mình, cô Hoa và các thành viên trong đoàn không sao quên được gia cảnh của những em HS từng ghé thăm. Từ đó, mọi người càng thấu hiểu hơn món quà mà nhà trường đại diện trao tặng cho các em không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn là sự động viên về tinh thần, giúp các em và gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ban Giám hiệu Trường THCS Vũng Tàu trao tặng máy tính cho em Vũ Huỳnh Bích Ngọc, HS có hoàn cảnh khó khăn lớp 6/9. |
TRAO CƠ HỘI ĐỔI ĐỜI
Trong giai đoạn HS phải nghỉ học để phòng chống dịch bệnh COVID-19, những chiếc máy tính đã giúp các em HS nghèo có cơ hội học tập trực tuyến. Và nếu như biết sử dụng đúng mục đích và khai thác có hiệu quả, những chiếc máy tính này còn mang đến cho các em cơ hội để thay đổi cuộc sống của mình.
Theo cô Nguyễn Thị Sông Thương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh, đồng sáng lập dự án “Máy tính cho em”, dự án mong muốn đem “ngọn lửa nhỏ” của mình lan tỏa, góp phần thắp lên “ngọn lửa lớn” để mọi người trong xã hội cùng chung tay thực hiện những điều tốt đẹp. “Đây không chỉ đơn thuần là trao thiết bị cho các em học trực tuyến trong thời gian nghỉ học do dịch bệnh mà chính là trao “cơ hội đổi đời” nếu các em nắm bắt được công nghệ thông tin để phục vụ việc học tập lâu dài và kết nối với thế giới, làm thay đổi cuộc sống của chính mình”, cô Sông Thương nhấn mạnh. Trên tinh thần đó, dự án sẽ chưa dừng lại khi vẫn còn những hoàn cảnh cần được giúp đỡ, hỗ trợ.
Cô Dương Thị Diệu, chuyên viên Phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu, thành viên sáng lập dự án cho biết thêm, sau khi kết nối các trường học trên địa bàn tỉnh để tìm ra những HS có hoàn cảnh khó khăn, các thành viên của dự án còn tới tận nơi để thẩm định trước khi trao máy. Bởi dự án mong muốn sự giúp đỡ đến được với những em có hoàn cảnh thực sự khó khăn và có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. “Những em được trao tặng máy tính, ngoài hoàn cảnh gia đình khó khăn còn cần có thái độ học tập tích cực. Dự án cũng yêu cầu gia đình và nhà trường ký cam kết giám sát, hỗ trợ các em sử dụng phương tiện được trao một cách an toàn, hiệu quả. Nếu không, dự án sẽ thu hồi phương tiện đã trao để chuyển giao cho những trường hợp khác xứng đáng hơn”, cô Diệu nói.
Theo cô Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Vũng Tàu, những chiếc máy tính được trao tặng trước mắt góp phần giúp các em HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thiết bị học tập trong thời gian nghỉ học, để không bỏ quên kiến thức. Về lâu dài, đây sẽ là người bạn đồng hành với các em trong suốt quá trình học tập sau này, giúp các em tìm kiếm nhiều nguồn tài liệu học tập, giúp thầy cô kết nối với HS để trao đổi thông tin, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, giúp các em học tập tốt hơn.
Cùng với nhiều phụ huynh khác ông T.V.M phụ huynh HS lớp 9/3, Trường THCS Vũng Tàu đã tích cực đồng hành cùng nhà trường để thực hiện chương trình tặng máy tính cho HS nghèo. Ông M. đã trực tiếp trao tặng chiếc máy tính của gia đình đang sử dụng cho em Nguyễn Trần Văn Lộc, HS lớp 9/3 khi biết Lộc không còn cha mẹ, 2 anh em ở với bà nội đã 74 tuổi. Ông M. cho biết: “Đây không chỉ là món quà vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần như một vật kỷ niệm. Nó nhắc nhở các em rằng, đã có những người chung tay, góp sức giúp đỡ các em. Từ đó, các em cần cố gắng hơn nữa trên chặng đường dài gian khó phía trước”.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI