Hỗ trợ lao động làm việc ở nước ngoài bị mất việc do COVID-19

Chủ Nhật, 05/04/2020, 21:20 [GMT+7]
In bài này
.

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, tính đến hết tháng 3/2020, cả nước có trên 560.000 người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đang làm việc tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trong tổng số hơn 179 quốc gia, vùng lãnh thổ có trường hợp nhiễm dịch COVID-19.

Bên cạnh việc tiếp nhận lao động về nước, Bộ LĐTBXH đang triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo quy định, người lao động sẽ được hoàn trả các khoản chi phí và hỗ trợ, như: Tiền môi giới, tiền dịch vụ, hỗ trợ từ nguồn kinh phí Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Cụ thể: Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh, DN bị phá sản) hoặc không phải do lỗi của người lao động, DN có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả lại cho người lao động một phần tiền môi giới người lao động đã nộp.

Người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới. Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới thì DN có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập DN.

Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do lỗi của người lao động thì DN chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài.

Theo quy định hiện hành, người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong một số trường hợp rủi ro khách quan khác được hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH quyết định mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/trường hợp. Tùy theo tình hình dịch bệnh, mức độ bị ảnh hưởng, số lượng người lao động bị ảnh hưởng, Bộ sẽ hỗ trợ người lao động, DN khi cần thiết.

Bộ LĐTBXH cũng yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các DN tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết ngày 30/4.

Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền, vận động người lao động Việt Nam yên tâm ở lại và chấp hành quy định của nước sở tại về phòng, chống dịch COVID-19, không di chuyển, không đến các địa bàn có dịch COVID-19. Bộ LĐTBXH giao Cục Quản lý lao động ngoài nước khẩn trương hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến đăng ký hợp đồng cung ứng lao động kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.

PHƯƠNG UYÊN

;
.