Mô hình hỗ trợ tài chính khởi nghiệp bằng hình thức xoay vòng vốn của Hội LHPN xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hội viên khó khăn đã cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình chị Cao Thị Thuận đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay xoay vòng chăn nuôi heo đạt hiệu quả. |
ĐẦU TƯ CÁC MÔ HÌNH NHỎ
Cách đây hơn 10 năm, Hội LHPN xã Bông Trang đã triển khai mô hình xoay vòng vốn cho hội viên vay không thu lãi. Theo đó, các hội viên tham gia mô hình sẽ đóng từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng cho Chi hội trưởng Hội Phụ nữ các ấp. Mỗi tháng, theo hình thức bốc thăm, các hội viên sẽ được vay vốn không tính lãi trong vòng 1 năm, số tiền cho vay mỗi lần từ 10-15 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, các hội viên đã sử dụng để chăn nuôi gia súc, gia cầm, buôn bán nhỏ…
Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (tổ 3, ấp Trang Định, xã Bông Trang) cho biết, trước đây chị ở nhà nội trợ. Mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương làm cán bộ an ninh trật tự ấp của chồng. Năm 2017, chị Ngọc mạnh dạn tham gia mô hình xoay vòng vốn của Hội LHPN xã và được vay 12 triệu đồng để mua 1 con bò sinh sản. Cùng với số vốn hơn 5 triệu đồng gia đình tích góp được, chị trồng thêm 1 sào mía, mua thêm 1 xe nước mía bán trước nhà để có nguồn thu nhập hàng ngày.
Bã mía sau khi ép nước bán và ngọn cây mía, chị Ngọc sử dụng làm thức ăn thêm cho bò. Phân bò được ủ và bón lại cho cây mía, tiết kiệm tiền mua phân bón. Sau hơn 3 năm được hỗ trợ vốn, từ 1 con bò cái cho sinh sản, nay chị Ngọc đã có 1 bò mẹ và 2 con bê. Lợi nhuận từ bán nước mía cùng với tiền tiết kiệm, chị mở rộng khoảng sân trước nhà để bán thêm cà phê, nước ngọt và bánh kẹo. “Nhờ mạnh dạn vay vốn của hội để đầu tư làm kinh tế, đến nay cuộc sống gia đình tôi đã được cải thiện, có tích lũy. Hiện tại, mỗi tháng tôi đóng 1 triệu đồng vào nguồn vốn xoay vòng giúp đỡ cho các chị em khác trong hội”, chị Ngọc cho hay.
Tương tự, gia đình chị Cao Thị Thuận (ấp Trang Định, xã Bông Trang) thuộc diện khó khăn. Chồng đi làm phụ hồ, chị Thuận ở nhà chăm sóc con nhỏ. Năm 2017, chị được Hội LHPN xã hỗ trợ cho vay 15 triệu đồng từ mô hình xoay vòng vốn không thu lãi. Chị Thuận sử dụng vốn vay đầu tư chuồng trại nuôi 3 con heo, cho thu nhập khá sau mỗi lứa nuôi. Năm 2019, chị Thuận được một hội viên nhượng lại khoản vay 15 triệu đồng của mô hình. Từ nguồn vốn này, chị đầu tư nuôi thêm gà, vịt, mua thêm 3 con heo sinh sản.
Đến nay, đàn heo của gia đình chị Thuận có hơn 10 con. “Nhờ nguồn vốn xoay vòng không tính lãi của Hội LHPN xã, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Mỗi tháng tôi vẫn đều đặn đóng góp 500 ngàn đồng cho quỹ để tăng thêm nguồn vốn xoay vòng giúp các chị em khác trong hội”, chị Thuận nói.
HIỆU QUẢ LỚN
Việc xây dựng mô hình góp vốn xoay vòng không chỉ giúp hội viên cải thiện thu nhập mà còn hạn chế phần nào tình trạng vay nặng lãi bên ngoài. Bà Trần Thị Kim Phương, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Trang Định, xã Bông Trang cho biết thêm, việc thu - chi nguồn vốn minh bạch nên được các chị em tin tưởng và tham gia nhiệt tình. “Từ khoảng 20-30 hội viên ban đầu, hiện ấp Trang Định đã có hơn 60 chị em hội viên tham gia đóng góp quỹ. Mỗi tháng chi hội góp được hơn 50 triệu đồng, nhờ vậy luôn có nguồn vốn ổn định cho các chị em vay đầu tư sản xuất, làm kinh tế gia đình”, chị Phương cho hay.
Để mô hình hoạt động hiệu quả, bà Hoàng Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội LHPN xã Bông Trang cho biết, trong các tổ, nhóm tiết kiệm của mô hình xoay vòng vốn, những chị em bốc thăm được vay nhưng có điều kiện kinh tế khá giả, chưa cần đến nguồn vốn đầu tư thì nhường lại cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn vay trước để làm kinh tế. “Đến nay, số chị em tham gia mô hình xoay vòng vốn hơn 300 người/tổng số gần 900 chị em hội viên Hội LHPN xã. Mỗi năm mô hình này giúp đỡ gần 200 hội viên với số tiền cho vay 2 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều chị em đã tổ chức làm ăn hiệu quả, trở thành trụ cột tài chính giúp gia đình có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững”, bà Hoàng Thị Hải Yến thông tin thêm.
Bài, ảnh: MAI HOA