Ngày 16/4, Bộ GD-ĐT tổ chức họp trực tuyến với một số Sở GD-ĐT về công tác phòng chống dịch; việc triển khai hoạt động dạy học, gồm dạy học qua internet, trên truyền hình; chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng khi học sinh đi học trở lại...
Theo báo cáo của các địa phương, thời gian qua, cơ bản, việc dạy học qua internet, trên truyền hình được triển khai hết sức nghiêm túc. Các địa phương đã nỗ lực có những giải pháp để khắc phục khó khăn. 70-80% học sinh bậc THPT ở các địa phương khó khăn được học trực tuyến, học qua truyền hình.
Hiện nay, nhiều địa phương thông tin dự kiến đề xuất sẽ cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 5 tới, cùng những giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi trở lại trường; nỗ lực để có thể hoàn thành chương trình học trước ngày 15/7 như kế hoạch của Bộ GD-ĐT.
Về vấn đề học sinh đi học trở lại, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh đây là việc cần được tính toán, xem xét rất kỹ dựa trên nguyên tắc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Các địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ cao theo khuyến nghị của Thủ tướng Chính phủ cần xem xét, cân nhắc; địa phương nguy cơ thấp có thể xem xét đề xuất UBND tỉnh cho học sinh đi học trở lại.
Trên tinh thần nội dung dạy học đã tinh giản, các trường xây dựng kế hoạch dạy học theo đúng thời gian và chương trình đã tinh giản, đồng thời tổ chức dạy học và ôn tập sao cho phù hợp, quyết tâm để có thể hoàn thành chương trình trước 15/7, đặc biệt với học sinh khối 12.
Với kỳ thi THPT quốc gia, tại cuộc họp, nhiều lãnh đạo Sở GD-ĐT nêu mong muốn vẫn tổ chức thi. Việc giữ ổn định kỳ thi tránh được nhiều xáo trộn, đặc biệt với học sinh. Hiện nay, số lượng học sinh có nhu cầu thi đại học rất lớn, nếu không tổ chức thi THPT quốc gia, các em sẽ phải đến thành phố lớn để dự thi tại các trường đại học, rất áp lực và căng thẳng, tốn kém. Về nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ tính toán để có phương án phù hợp cho mọi tình huống.
PHAN THẢO