Thầy giáo với niềm đam mê hoa lan

Thứ Bảy, 07/03/2020, 08:01 [GMT+7]
In bài này
.

Đam mê hoa lan từ nhỏ, anh Lê Thanh Trung, hiện là GV thể dục và Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn tranh thủ mọi thời gian rảnh để tìm hiểu về loài hoa này. Đặc tính của mỗi loài hoa, kỹ thuật trồng… đến sưu tầm giống ở đâu đều được anh “thuộc nằm lòng”. Trong suốt hơn chục năm qua, anh đã gầy dựng được vườn lan với cả ngàn giò. Thú chơi tao nhã này không chỉ giúp anh thỏa chí đam mê mà còn mang lại nguồn thu nhập phụ cho gia đình.

Anh Trung chăm sóc vườn lan của gia đình.
Anh Trung chăm sóc vườn lan của gia đình.

TỪ ĐAM MÊ…

Anh Lê Thanh Trung (SN 1983) được nhận xét là người trầm tính, nhưng khi nói về hoa lan, anh trở nên sôi nổi. Trong khu vườn lan rộng 150m2 tại 146, Trương Định, TP. Bà Rịa, anh Trung chia sẻ: “Người chơi lan luôn muốn sở hữu những loài hoa quý, độc đáo về kiểu dáng, màu sắc của bông hoa, từng cánh hoa, cũng như hương thơm và nét duyên dáng”. Đam mê, dành nhiều thời gian cho lan, anh Trung nhớ được tên từng loại lan trong số hơn 1.000 giò trong vườn. “Đây là giả hạc Pháp (còn được gọi là Phi điệp tím), còn đây là cattleya, giò dendro đột biến, kia là những giò ngọc điểm…”, anh Trung giới thiệu.

Anh Lê Thanh Trung là con út trong gia đình có 7 anh chị em. Ba anh thích hoa lan, nhưng không có điều kiện nên chỉ mua những giò lan ít tiền về chơi. Khi còn đi học phổ thông, hàng ngày, anh thường “bị” ba giao nhiệm vụ… tưới lan nên anh rất ghét loài hoa này và tự hỏi chúng có gì đặc biệt mà ba thích đến vậy. Năm 2005, Trung tốt nghiệp ngành Giáo dục Thể chất (CĐ Sư phạm Trung ương 2) rồi về dạy thể dục tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm và làm Bí thư Đoàn trường cho đến nay. Đi làm có lương, hàng tháng anh đều trích một phần để mua hoa lan về tặng ba. Những khi rảnh rỗi, anh lại ngồi cùng ba và các bạn của ông để ngắm hoa, bình hoa. Từ chỗ ghét lan vì phải chăm sóc cho chúng, anh chuyển sang mê hoa lan hồi nào không hay.

Ngoài dòng dendro, anh sưu tầm những dòng hoa mới, tìm cách thuần hóa để hợp với điều kiện thời tiết ở Bà Rịa. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, vợ anh Trung, cũng là đồng nghiệp cùng trường cười vui khi kể: “Ảnh mê lan tới mức đi dạy về là chạy ngay ra vườn để ngắm và chăm sóc lan. Nhiều lúc tôi muốn phát… ghen với mấy giò lan này”.

Niềm đam mê ấy đã thôi thúc anh nghiên cứu, tìm ra đặc tính của từng loại lan và ươm giống thành công. Ngoài đọc sách, nghiên cứu trên mạng Internet, anh còn đến các nhà vườn ở huyện Long Điền, Đất Đỏ… để tham khảo, học hỏi cách trồng lan, xử lý khi hoa bệnh, chăm sóc để lan trưởng thành, có nhiều nụ. Năm 2018, anh đã ươm thành công lan giả hạc và nhiều loại lan khác. “Tự mày mò nên phải mất 2 năm tôi mới thành công. Tôi tin cây lan không phụ mình”, anh Trung chia sẻ. Bên cạnh đó, anh còn tự làm giá thể cho lan bằng vỏ trấu, xơ dừa, vỏ thông và phân. Hiện nay, vườn lan của anh Trung có nhiều loại như: Giả hạc Pháp, giả hạc thân tím, giả hạc thân xanh, giả hạc đột biến… Trong đó, lan đột biến được nhiều khách tìm mua bởi độ quý hiếm. Giá lan đột biến tuy cao, lên đến hàng chục triệu đồng nhưng nếu ươm giống thành công thì chỉ cần bán được vài cây con là đã có lời.

ĐẾN THU NHẬP KHÁ TỪ “NGHỀ TAY TRÁI”

Dịp Tết năm 2008, anh Trung thử tập tành kinh doanh hoa lan. Mùa đầu tiên, anh thất bại. Thời điểm đó, tổng lương của hai vợ chồng anh chỉ hơn 2 triệu đồng nhưng vụ hoa lan Tết bị lỗ hơn 3 triệu. Nhưng ai nói gì cũng kệ, anh vẫn tiếp tục với con đường mình đã chọn và gặt hái trái ngọt. Từ năm 2010, anh bắt đầu có lãi ở vụ hoa lan Tết. Và gần đây nhất, vụ hoa Tết Canh Tý vừa qua, anh chị thu lãi hơn 30 triệu đồng. Hiện nay, vợ chồng anh đã lập trang “Gia Huy orchid” để bán hoa lan online. Ngoài khách hàng trên địa bàn tỉnh, anh còn có khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hà Nội, Lạng Sơn… Mỗi năm, vườn lan mang lại cho gia đình anh thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Năm 2019, anh Trung được Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho vay 70 triệu đồng với thời hạn đến tháng 5/2020 anh sẽ hoàn vốn. Anh dự tính mở rộng vườn lan, tiếp tục niềm đam mê với lan giả hạc bởi đây là loài anh đã thuần chủng được trong vườn của mình và được ưa chuộng trên thị trường.

Hiện nay, vườn lan của anh Trung có hàng chục loại, trong đó chủ yếu là lan giả hạc. Giá một số loại lan: Cattleya từ 150-250 ngàn đồng/giò; lan rừng từ 50 ngàn đồng đến vài triệu đồng/giò, tùy loại; lan ngọc điểm từ 200 ngàn - 1 triệu đồng/giò; các loại lan giả hạc bình dân có giá từ 250-350 ngàn đồng/giò đã ra bông. Đặc biệt, anh vừa bán giò lan giả hạc đột biến 5 cánh trắng với giá 42 triệu đồng.

Anh Trung khuyên người mới chơi lan nên chọn những loài phổ thông, đơn giản từ cách chăm sóc đến đặc tính và giá trị (giả hạc Pháp). Khi đã quen, có kinh nghiệm chăm sóc lan và có điều kiện về kinh tế, có thể chọn những dòng giả hạc đắt tiền hơn. Người chơi lan chuyên nghiệp thì không nên bỏ qua những dòng lan đột biến.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

;
.