Trước lo ngại về hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh, một số phụ huynh đã rủ nhau “anti” kháng sinh (từ chối không dùng kháng sinh), ngay cả khi được bác sĩ kê đơn cho con mình.
Bác sĩ thăm khám cho trẻ tại Phòng khám Nhi, Bệnh viện Lê Lợi. |
TỪ CHỐI KHÁNG SINH VÌ SỢ ĐỘC HẠI
Cách đây 2 tháng, bé T.Đ.K (20 tháng tuổi, ở phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu) được bố mẹ đưa đến phòng khám chuyên Khoa Nhi trong tình trạng sốt cao, đau bụng, đi phân ít, nhiều lần, có dịch nhầy và máu tươi. Bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm trùng đường ruột nặng, đề nghị gia đình đưa cháu vào nhập viện điều trị.
Mẹ của bé kể, khi bé bị tiêu chảy, đi phân nhầy và có máu, sốt sang ngày thứ 3, gia đình đã đưa bé đi khám bác sĩ và đã được chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, kê đơn thuốc điều trị, trong đó có thuốc kháng sinh Cefixim và men vi sinh. Tuy nhiên, mẹ bé cho rằng bé còn nhỏ, uống nhiều thuốc kháng sinh sẽ hại cơ thể nên không cho bé uống thuốc này, mà chỉ dùng mỗi men vi sinh. Hậu quả là bệnh của bé trở nặng, phải nhập viện điều trị.
Những bà mẹ theo trào lưu “anti” kháng sinh, thường có phản ứng tiêu cực với kháng sinh. Do đó, họ từ bỏ việc dùng kháng sinh, ngay cả khi bác sĩ kê đơn thuốc. Một số bà mẹ thì sợ uống nhiều kháng sinh độc hại nên tự ý giảm liều hoặc giảm số ngày uống thuốc kháng sinh cho trẻ. Nguyên nhân của tình trạng này là do các bà mẹ đọc nhiều thông tin trên mạng về tình trạng kháng thuốc kháng sinh nhưng lại thiếu kiến thức để lựa chọn thông tin chuẩn xác, nên tin theo những lời kêu gọi hoặc tẩy chay thuốc kháng sinh.
SỬ DỤNG ĐÚNG SẼ AN TOÀN
Theo phân tích của các bác sĩ chuyên Khoa Nhi, kháng sinh là thuốc điều trị nên sẽ gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Chẳng hạn, dùng kháng sinh điều trị lâu ngày ảnh hưởng đến đường ruột gây rối loạn tiêu hóa; một số loại kháng sinh có các độc lực lên gan, thận, dây chằng khớp… Tuy nhiên, những tác động này là nhất thời và thường tự phục hồi sau khi ngưng thuốc. Hơn nữa, trước khi sử dụng kháng sinh cho trẻ, các bác sĩ đã có những cân nhắc và lựa chọn các kháng sinh an toàn, ít tác dụng phụ nhất cho trẻ.
Một số loại kháng sinh có thể để lại hậu quả lâu dài, như gây điếc hay gây độc cho thận đối với kháng sinh nhóm amino glycosid (gentamycin, tobramycin…) hoặc ảnh hưởng đến hệ xương răng của trẻ (tetracyclin). Tất nhiên các bác sĩ sẽ không chọn các thuốc này trong chữa các bệnh thông thường, chỉ những tình huống đặc biệt, cân nhắc giữa sự sống và cái chết của bệnh nhi mà không còn lựa chọn nào khác mới phải dùng đến.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa các các khuyến cáo sử dụng kháng sinh hợp lý. Trong đó, chỉ có thầy thuốc điều trị mới có đủ thẩm quyền cho sử dụng kháng sinh. Khi dùng kháng sinh để điều trị thì cần đúng liều, đúng cách, đủ thời gian. Tùy theo loại bệnh và tình trạng bệnh thì thời gian dùng kháng sinh có khi dài, khi ngắn nhưng thông thường là không dưới 5 ngày.
Để sử dụng kháng sinh hợp lý cho trẻ, bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa khuyến cáo, đa số những bệnh thông thường ở trẻ nhỏ do thời tiết chuyển mùa, nhiễm virus không cần phải dùng đến thuốc kháng sinh, phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với các bệnh do virus gây ra. Vì vậy, hầu hết các trường hợp sốt, ho, viêm đường hô hấp, tiêu chảy… do siêu vi thì không nên dùng kháng sinh.
Khi trẻ có dấu hiệu ho, sổ mũi, cha mẹ nên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý mỗi ngày từ 3-5 lần. Có thể sử dụng một số loại si-rô ho thảo dược chiết xuất từ tần dày lá (húng chanh), vỏ quýt chưng gừng tươi với đường phèn cho trẻ uống. Nếu trẻ sốt thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt và lau mát cơ thể trẻ bằng nước ấm. Cha mẹ chăm sóc trẻ bằng cách cho bé uống nhiều nước, ăn trái cây tươi, ăn cháo hoặc súp và theo dõi nhiệt độ cơ thể của con. Sau 2-3 ngày mà trẻ vẫn không thấy đỡ, hoặc trẻ có những dấu hiệu bất thường như trẻ lờ đờ, không chơi đùa hoạt bát, không chịu ăn uống, sốt cao, nôn ói… phụ huynh nên ngay lập tức đưa trẻ đi khám bác sĩ để điều trị, không nên tự ý mua thuốc về dùng, đặc biệt là kháng sinh.
MINH THIÊN