Phòng ngừa bi kịch từ bạo lực gia đình
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, do xuất phát từ những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày của các gia đình. Hậu quả để lại rất đau lòng, người thì thiệt mạng, kẻ phải ngồi tù, tổ ấm gia đình bị tan vỡ, con trẻ bơ vơ. Đây là những bi kịch gia đình cần được cộng đồng xã hội quan tâm chung tay phòng ngừa.
Chi hội Phụ nữ ấp Bình Đức, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức sinh hoạt chuyên đề về hôn nhân và gia đình. |
CÁC VỤ ÁN ĐAU LÒNG
Rạng sáng ngày 3/2, người nhà phát hiện bà L.T.N. (SN 1965, trú tại TT.Long Hải, huyện Long Điền) tử vong trên giường ngủ, nên báo cơ quan Công an. Sau đó, chồng bà N. là ông Võ Văn Đồng (SN 1962) được mời tới trụ sở cơ quan Công an để lấy lời khai, làm rõ một số dấu hiệu nghi vấn. Ông Đồng khai báo, vào khoảng 0 giờ sáng ngày 3/2, nghe thấy tiếng gà kêu phía ngoài nhà nên bà N. dậy kiểm tra. Thời điểm này, ông Đồng đang ngủ bên ngoài còn vợ và con gái ngủ riêng ở 2 căn phòng khác nhau. Một lúc sau, ông Đồng có nghe tiếng bà N. kêu do bị ngã nên thức dậy ra xem rồi hai vợ chồng vào nhà ngủ lại. Đến rạng sáng, gia đình phát hiện bà N. đã tử vong.
Tuy nhiên, nhận thấy lời khai của ông Đồng có nhiều điểm mâu thuẫn, bất thường nên cơ quan Công an tiếp tục xác minh. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an xác định bà N. tử vong với vết cháy ở cổ do điện giật. Sau quá trình điều tra, biết không thể chối tội nên ông Đồng mới khai nhận do bực tức vợ không đưa tiền trả nợ, lợi dụng lúc vợ ngủ say, đối tượng đã sát hại nạn nhân bằng dụng cụ kích điện có sẵn ở nhà.
Các vụ án mạng xảy ra trong gia đình gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những mâu thuẫn kéo dài âm ỉ như vụ án trên, nhưng cũng có những mâu thuẫn rất nhỏ nhặt, bộc phát tức thời dẫn đến bi kịch gia đình. Trong đó có vụ việc thương tâm, chồng sát hại vợ xảy ra ở huyện Xuyên Mộc, gây xôn xao dư luận. Khoảng 16 giờ ngày 26/8/2019, Hồ Quốc (SN 1990, ngụ tại xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) đang ở nhà trông con thì chị T.T.H. (SN 1994, vợ Quốc) đi cạo mủ cao su về. Khi chị H. vừa xuống xe, Quốc đến lấy xe máy để đi mua thuốc lá, nhưng chị H. không đưa chìa khóa xe mà bỏ chạy ra ngoài. Bực tức, Quốc đuổi theo túm tóc, kéo lê chị H. đến vị trí gần chiếc xe máy, rồi lấy rựa, gậy sắt ở gần đó đánh nhiều nhát vào người chị H. Đánh xong, y để vợ nằm trên nền đất khiến chị H. tử vong lúc nào không hay. Chỉ đến khi mẹ Quốc đi làm về phát hiện vụ việc nên nhờ người chở y đến cơ quan Công an đầu thú.
ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?
Gia đình được xem là “tế bào của xã hội”, có tính đặc thù nặng về tình cảm và sự thân thiết, mang tính huyết thống, có sự ràng buộc rất đặc biệt do đó rất nhiều người, kể cả cán bộ, công chức coi bạo lực gia đình là chuyện nội bộ của gia đình, ít áp dụng những quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình để ngăn ngừa từ sớm. Ngay cả nạn nhân bạo lực gia đình do xấu hổ, sợ bị miệt thị, trả thù hoặc vì phụ thuộc về kinh tế nên âm thầm chịu đựng, chỉ khi nào không thể chịu đựng hơn nữa mới dám nói ra hoặc có thể có hành động tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng. Lúc đó, chính quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật mới vào cuộc và trong nhiều trường hợp thì đã muộn.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Lan Phương, chuyên gia tâm lý, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn tâm lý Châu Á - ASIA MCC (TP. Vũng Tàu), vợ chồng “đầu ấp, tay gối, má kề”, đến với nhau hầu hết xuất phát từ tình yêu thương. Giữa vợ chồng có rất nhiều sợi dây ràng buộc, như con cái, họ hàng nội ngoại và cả tài sản chung mà hai vợ chồng đã cùng nhau gây dựng... Nhưng khi về sống chung trong một mái nhà, nếu không có sự đồng cảm, chia sẻ, nhường nhịn lẫn nhau, rất dễ nảy sinh những mâu thuẫn. Có những mâu thuẫn rất nhỏ, có thể đối thoại, cùng nhau giải quyết. Nhưng vì thói ích kỷ, quá đề cao “cái tôi” nên từ mâu thuẫn nhỏ trở thành mâu thuẫn lớn, dẫn đến chán ghét nhau, soi mói những lỗi lầm của nhau.
Có nhiều cặp vợ chồng không tìm được cách hóa giải mâu thuẫn, nhưng lại không tìm cách “giải thoát” cho nhau, sống trong cảnh căng thẳng rất dễ nảy sinh những va chạm từ lời nói đến hành động. Hậu quả của những mâu thuẫn vợ chồng nêu trên dễ dẫn đến bi kịch gia đình, nghiêm trọng là có người mất mạng, người vướng vào vòng lao lý. “Nhưng điều đau xót hơn cả là họ đã để lại một vết hằn, cú sốc tâm lý lớn cho họ hàng hai bên nội - ngoại, đặc biệt đối với những đứa trẻ vô tội là con em của họ”, Tiến sĩ Lê Thị Lan Phương nhận định.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) - Công an tỉnh, một trong những khó khăn trong công tác phòng ngừa các vụ án mang tính chất bạo lực gia đình là do hầu hết các nạn nhân và thủ phạm đều có mối quan hệ thân thiết, ruột thịt. Nhiều đối tượng trước đó là người tốt, nhưng do bị kích động mạnh trước những hành vi trái pháp luật của nạn nhân, hoặc do sự kích thích của rượu, bia, ma túy cộng với những mâu thuẫn, thù tức trước đó đã bộc phát dẫn tới hành vi giết người tàn bạo. Thêm vào đó, một số người còn hạn chế về kiến thức pháp luật, mù quáng trong tình yêu, vị kỷ cá nhân trong quan hệ gia đình, yêu đương, nên khi gặp phải những mâu thuẫn hay có sự ngờ vực đã không tìm được cách xử lý đúng mực mà sử dụng bạo lực.
LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG NGỪA?
Hiện nay, việc điều chỉnh các mối quan hệ có liên quan đến bạo lực gia đình được quy định tại nhiều văn bản pháp luật như Hiến pháp, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Nghị định 167/2013 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”… Vì vậy, các cơ quan chức năng, các đoàn thể chính trị-xã hội, chính quyền địa phương căn cứ vào những quy định pháp luật nêu trên để xây dựng nội dung tuyên truyền về phòng ngừa bi kịch từ bạo lực gia đình, triển khai đến các địa bàn dân cư từ tổ, khu phố đến phường, xã, thị trấn. “Để ngăn chặn những vụ trọng án trong gia đình thì việc phát hiện, hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ gia đình của người thân, của các đoàn thể xã hội và chính quyền địa phương ngay từ cơ sở là hết sức quan trọng”, Tiến sĩ Lê Thị Lan Phương nhận định.
Luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, pháp luật Nhà nước ngày càng hoàn thiện, vì vậy, đối với những hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về an ninh trật tự, nếu lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể cưỡng chế đưa đối tượng đi cơ sở giáo dục.
Khi phát hiện mâu thuẫn trong gia đình có khả năng bùng phát mạnh thì người thân, những người chứng kiến vụ việc cần có trách nhiệm can ngăn, hòa giải ngay. Không để những mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài dễ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí gây ra án mạng như những vụ việc đau lòng đã xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Trường hợp trong nội bộ gia đình không tự giải quyết được mâu thuẫn, diễn biến tình huống xấu thì báo cơ quan Công an địa phương vào cuộc ngăn chặn kịp thời.
(Thượng tá Vũ Bình Long, Phó Phòng PC02 - Công an tỉnh)
|
Vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội nhất là Hội LHPN có ý nghĩa rất lớn đến vấn đề phòng ngừa bạo lực gia đình. Trong buổi họp mặt Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 vừa qua, bà Lê Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đã phát động các hoạt động, phong trào thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em năm 2020” với các nội dung: An toàn cho phụ nữ và trẻ em về sức khỏe, dinh dưỡng, trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, nước sạch, vệ sinh, giáo dục; tích cực tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em; mỗi đơn vị của Hội tổ chức ít nhất 1 hoạt động, chương trình hỗ trợ nâng cao nhận thức về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình.
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN