Tháng 10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc với người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này còn gặp nhiều vướng mắc. Ông Đặng Hồng Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu xung quanh việc thực hiện Nghị định này.
Ông Đặng Hồng Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh. |
* Phóng viên: Thưa ông, ông có thể cho biết quy định cụ thể về việc NLĐ nước ngoài tham gia BHXH, BHYT?
- Ông Đặng Hồng Tuấn: Nghị định 143/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2018. Đây là lần đầu tiên pháp luật Việt Nam có quy định về thực hiện BHXH bắt buộc đối với công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo quy định, NLĐ nước ngoài thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi: Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Về BHYT, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHYT theo nhóm do cả người lao động và người sử dụng lao động đóng.
Theo quy định, mức đóng BHYT hàng tháng hiện nay đối với NLĐ nước ngoài là 4,5% tiền lương tháng. Trong đó, NLĐ đóng 1,5% và người sử dụng lao động đóng 3%.
Về mức đóng BHXH, chia thành 2 giai đoạn: từ ngày 1/12/2018 đến 31/12/2021, chỉ mới thực hiện các chế độ ngắn hạn ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Giai đoạn này chỉ do chủ sử dụng lao động đóng, người lao động không phải đóng. Người sử dụng lao động hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động như sau: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản và 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2022 trở đi, sẽ thực hiện đầy đủ các chế độ BHXH như lao động Việt Nam (có cả hưu trí, tử tuất, trợ cấp BHXH 1 lần). Người sử dụng lao động hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Ngoài ra, NLĐ hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Công nhân người Hàn Quốc điều khiển hệ thống Tiếp nhận rác thải công nghiệp tại Công ty TNHH Kbec Vina (xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ). Ảnh: SONG THƯ |
* Thời gian qua, cơ quan BHXH đã thực hiện việc thu BHXH, BHYT cho NLĐ nước ngoài như thế nào?
- Sau khi quy định tham gia BHXH, BHYT đối với lao động người nước ngoài được ban hành, BHXH tỉnh đã gửi văn bản đến các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn để hướng dẫn cụ thể về đối tượng, mức đóng và phương thức đóng, tiền lương tháng đóng, thủ tục, hồ sơ tham gia, các chế độ, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh còn phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức các hội nghị truyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT với các DN có vốn đầu tư nước ngoài và có NLĐ nước ngoài.
Trong năm 2019, căn cứ dữ liệu do Sở LĐTBXH, Ban quản lý các KCN cung cấp, trên địa bàn tỉnh có 1.305 người nước ngoài được cấp phép lao động tại các công ty, đơn vị. Từ số liệu này, BHXH tỉnh đã khai thác được 1.052 NLĐ nước ngoài tham gia BHXH. Số NLĐ còn lại, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục rà soát để thu BHXH trong thời gian tới. Riêng về BHYT, kể từ khi có quy định thu BHYT tính đến nay, toàn tỉnh đã có 1.911 NLĐ nước ngoài tham gia.
* Trong quá trình triển khai thu BHXH, BHYT đối với NLĐ nước ngoài, cơ quan BHXH gặp những khó khăn, vướng mắc nào, thưa ông?
- Hiện nay, nhiều DN còn lúng túng trong việc xác định đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. Ngoài ra, những lao động làm việc ở nước sở tại có cơ sở sản xuất hoặc tham gia thực hiện các dự án tại Việt Nam nên được cử sang làm việc tại Việt Nam thì phần lớn họ đều đã tham gia BHXH ở nước sở tại. Rào cản về ngôn ngữ cũng là trở ngại tham gia BHYT đối với NLĐ nước ngoài. NLĐ là công dân nước ngoài đến Việt Nam làm việc từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Vì vậy, khi họ bị bệnh phải đến các cơ sở y tế để khám và chữa bệnh gặp trở ngại trong giao tiếp. Mặc dù cơ quan BHXH cũng đã đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu là tuyến tỉnh.
* Để tháo gỡ những vướng mắc trên, BHXH tỉnh có những giải pháp gì, thưa ông?
- Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với Ban quản lý các KCN, Sở LĐTBXH, Công an xuất nhập cảnh rà soát các trường hợp người nước ngoài được cấp giấy phép lao động trên địa bàn tỉnh, qua đó, kịp thời hướng dẫn DN xác định đúng đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. Song song đó, BHXH sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT với các DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo thuận lợi cho NLĐ nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh được hưởng các chế độ, chính sách phù hợp, tránh thiệt thòi. Đã là người lao động trên đất nước Việt Nam thì dù người Việt Nam hay nước ngoài đều được tham gia và hưởng đầy đủ quyền lợi như nhau, đấy là công bằng và văn minh của Pháp luật.
* Xin cảm ơn ông!
THI PHONG (Thực hiện)