.

Những "đầu tàu" của cộng đồng dân tộc thiểu số

Cập nhật: 21:33, 08/03/2020 (GMT+7)

Bằng trách nhiệm của mình, nhiều người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) đã phát huy tốt vai trò “đầu tàu, cầu nối”, trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thi đua giảm nghèo, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Dín Chắn Hổi (dân tộc Hoa, ở thôn Hoa Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) chăm sóc vườn sầu riêng.
Ông Dín Chắn Hổi (dân tộc Hoa, ở thôn Hoa Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) chăm sóc vườn sầu riêng.

GIỎI ĐỂ LÀM GƯƠNG

Đến thôn Hoa Long (xã Kim Long, huyện Châu Đức), hỏi ông Dín Chắn Hổi (SN 1978, người dân tộc Hoa), từ đầu thôn đến cuối thôn ai cũng biết, bởi không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Hổi còn là nhân tố tích cực trong công tác giảm nghèo. Toàn thôn Hoa Long có 127 hộ với 753 nhân khẩu là người dân tộc Hoa, chủ yếu sống bằng nghề nông. Những năm gần đây, các loại nông sản như tiêu, điều, cà phê lần lượt lâm vào tình trạng “được mùa - rớt giá” khiến thu nhập của nông dân giảm, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Ông Hổi luôn trăn trở tìm cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây có thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao để cải thiện kinh tế gia đình, từ đó vận động bà con làm theo.

Nhận thấy thổ nhưỡng địa phương thích hợp với cây sầu riêng Monthong, một loại trái cây đang được thị trường ưa chuộng, ông Hổi đã mạnh dạn chặt bỏ 1ha tiêu, điều để trồng thử nghiệm 30 gốc sầu riêng Monthong. Trước khi trồng, ông lặn lội đến các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây và trái sầu riêng, đồng thời đầu tư hơn 30 triệu đồng để lắp đặt hệ thống vòi phun nước tự động. Nhờ vận dụng tốt kiến thức và kinh nghiệm từ thực tiễn, sau 4 năm, vườn sầu riêng của ông Hổi cho năng suất bình quân 200kg/cây/vụ. Đầu năm 2016, ông Hổi mở rộng quy mô trồng sầu riêng lên 2ha với gần 200 cây. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 700 triệu đồng/năm.

Thấy hiệu quả từ việc trồng sầu riêng, ông Hổi đã vận động người dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông sẵn sàng hỗ trợ giống sầu riêng cho hộ nghèo, đến từng nhà hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây sầu riêng. Nhờ sự giúp đỡ của ông Hổi, đến nay đã có 25 hộ chuyển đổi và thành công các loại cây trồng cho thu nhập thấp như tiêu, điều, cà phê sang trồng sầu riêng Monthong, giúp đời sống đồng bào người Hoa ngày càng ổn định, hộ nghèo giảm dần.

PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI CÓ UY TÍN 

Tương tự, anh Lý Phương Tân (dân tộc Châu Ro, Bí thư Xã Đoàn Suối Rao) cũng được nhiều người yêu mến. Anh Tân là người năng động, có nhiều cách làm hay trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên và là cá nhân tiêu biểu trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Anh Tân cho biết, xã Suối Rao có 872 hộ sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, điều kiện sống khó khăn nên nhiều phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập của con em. Thêm vào đó là các em chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng sống cần thiết dẫn đến lúng túng trong giải quyết các vấn đề của bản thân, từ đó dễ bị tổn thương về tâm lý. 

Đầu năm 2018, anh Tân cùng BCH Xã Đoàn thành lập CLB giáo dục - kỹ năng sống với 30 thành viên. Từ đó đến nay, các thành viên trong CLB thường xuyên tổ chức các buổi huấn luyện kỹ năng sống như: phòng chống xâm hại tình dục, đuối nước, các hoạt động tập thể, quản trò, nhảy dân vũ, hát múa, dựng lều trại… cho trẻ em trên địa bàn. CLB còn mở lớp phụ đạo cho hơn 50 HS yếu, kém từ lớp 4-9 vào mỗi chiều thứ Năm, thứ Bảy hàng tuần tại TTVHHTCĐ xã dưới sự kèm cặp trực tiếp của 10 ĐVTN Chi đoàn GV Trường THCS Nguyễn Trung Trực. Sau hơn 1 năm triển khai, đã có 25 HS có kết quả học tập tiến bộ rõ rệt.

Theo ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 94 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Họ thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự của địa phương đến với đồng bào. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 31.722 người thuộc 28 DTTS như: Tày, Thái, Mường, Khơ Me, Hoa, Nùng, H’Mông, Dao, Châu Ro…, chiếm 3% dân số toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, TX. Phú Mỹ.

“Từ những điển hình trên cho thấy, người có uy tín là nhân tố quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc tỉnh. Do đó thời gian tới cần tiếp tục nêu gương trong cộng đồng các dân tộc. Ban Dân tộc tỉnh cũng tăng cường phối hợp với MTTQ và các đoàn thể địa phương làm tốt hơn nữa chính sách dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội để đồng bào DTTS ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, từ đó chung sức, đồng lòng vì sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Đỗ Đình Quốc nói thêm.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

.
.
.