.

Nâng cao ý thức tự giác phòng dịch

Cập nhật: 22:13, 23/03/2020 (GMT+7)

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Tốc độ gia tăng dịch bệnh có thể nói là “chóng mặt” với hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày. Để phòng chống dịch có hiệu quả, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác, tuân thủ các biện pháp và khuyến cáo của ngành y tế. 

Cán bộ, GV, người lao động Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu đeo khẩu trang và được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào làm việc tại trường. Ảnh: TUỆ LÂM
Cán bộ, GV, người lao động Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu đeo khẩu trang và được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào làm việc tại trường. Ảnh: TUỆ LÂM   

Những thông tin từ giới truyền thông cho thấy, những ngày dịch mới bắt đầu, một số quốc gia như: Iran, Ý, Mỹ, Tây Ban Nha… tỏ vẻ thờ ơ với dịch bệnh, không áp dụng quyết liệt các biện pháp phòng, chống dẫn đến dịch lây lan nhanh. Người dân ở các nước này nắm được rất ít thông tin về dịch bệnh nên khi có các triệu chứng của bệnh vẫn không thực hiện các biện pháp phòng vệ cho mình và cộng đồng, vẫn đến những nơi đông người. 

Tại Việt Nam, một số người Việt đến các vùng có dịch ở Ý, Anh, Pháp... nhưng khi trở về không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực và né tránh biện pháp cách ly y tế, đồng thời tiếp tục gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người khác. Trong đó có trường hợp, một nữ bệnh nhân ở Bình Thuận làm lây lan cho 10 người. Trong khi cả hệ thống chính trị vào cuộc trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sự thiếu ý thức của một số người đã gây ra những hậu quả nặng nề, khiến công tác phòng chống dịch càng thêm khó khăn, tốn kém. Nếu những người trở về từ vùng dịch có ý thức tự giác, chấp hành tốt các biện pháp phòng dịch, số người bị nhiễm mới ở Việt Nam đã không gia tăng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua và số người bị cách ly y tế cũng không nhiều đến vậy. Cuộc sống của nhiều cư dân cũng không đến mức đảo lộn như những ngày qua.

Hiện nay, trước ảnh hưởng của dịch bệnh tại các nước châu Âu, mỗi ngày cả nước đón hàng ngàn người Việt từ các nước vùng dịch trở về. Trong số đó, nhiều người bị nhiễm bệnh đã được cách ly y tế và đưa đi điều trị kịp thời. Nhưng trước thời điểm Chính phủ áp dụng biện pháp cách ly tập trung bắt buộc với mọi người về từ châu Âu (từ ngày 15/3), nhiều người từ khu vực này không phải cách ly tập trung có thể đã mang mầm bệnh. Bên cạnh đó, trong số những ca nhiễm COVID-19 gần đây, một số người từ nước ngoài trở về đã được cách ly ngay khi xuống sân bay nhưng cũng có trường hợp dính lây nhiễm trong khi di chuyển, làm việc trong nước. Điều này cho thấy, mầm bệnh đã có ở cộng đồng và đây chính là vấn đề đáng lo ngại. 

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà cư dân mạng lại lan truyền câu khẩu hiệu tuyên truyền phòng dịch rất dễ thương: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, ai ở chỗ nào, ở yên chỗ đó”. Trong bối cảnh dịch bệnh có thể lây lan vì việc di chuyển thì phương châm đứng yên tại chỗ lại trở thành một trong những giải pháp phòng bệnh hiệu quả. Bởi lẽ, việc hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế tiếp xúc người lạ sẽ góp phần hạn chế cơ hội phát tán, lây lan của virus. Đây cũng chính là điều các chuyên gia y tế khuyến cáo nên làm. 

Để chống dịch, các lực lượng như: Y tế, quân đội, công an, ĐVTN, tình nguyện viên trên khắp cả nước đã gồng mình trong gần 2 tháng qua. Nhưng sự cố gắng của các lực lượng này thôi chưa đủ mà rất cần sự chung tay của mỗi người dân thông qua việc nâng cao ý thức phòng dịch; chấp hành nghiêm các quy định về khai báo y tế, cách ly y tế; tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đi lại. 

Chúng ta đã có được những bài học kinh nghiệm từ cách phòng, chống dịch trong nước, từ Trung Quốc, từ Ý, trong đó có việc áp dụng biện pháp cách ly y tế và phong tỏa đối với các khu vực và địa phương có người nghi nhiễm bệnh. Từ “ổ dịch” lớn của thế giới với gần 82.000 ca nhiễm bệnh, đến nay, Trung Quốc đã không còn là điểm nóng khi số ca bệnh tăng lên rất ít, trong khi số ca khỏi bệnh tăng nhanh. Việc thực hiện biện pháp cách ly y tế có thể làm một số người mất tự do, sinh hoạt có thể không được thoải mái như ở nhà. Nhưng những điều bất tiện đó là rất nhỏ so với những thiệt hại mà chúng ta phải nhận nếu chẳng may mắc bệnh. Và những điều bất tiện đó là quá nhỏ so với những nỗi vất vả, hy sinh, thiệt hại mà cộng đồng đang phải gánh chịu cũng như chi phí Nhà nước bỏ ra trong cuộc chiến với dịch bệnh này. 

ĐỨC NGUYÊN
(Phường 3, TP. Vũng Tàu)

.
.
.