Hết nghiện heroin, phụ thuộc thuốc an thần, N. lại dùng ma túy tổng hợp. N. khiến người mẹ khốn khổ nơm nớp lo sợ một ngày mất đi đứa con trai mình đứt ruột đẻ ra, hoặc mất mạng khi con mất kiểm soát ý thức vì ma túy gây nên tình trạng rối loạn lưỡng cực-một dạng bệnh lý tâm thần.
Minh họa: MINH SƠN |
Bất chấp ánh mắt ái ngại, dò xét của mọi người, chị đăng ký vào phòng khám Nam khoa để hỏi về bệnh rối loạn cương của con trai. Bươn chải hơn chục năm nay để che chở cho đứa con nghiện ngập kể từ khi bị chồng bỏ rơi, chị chẳng còn sợ người ta đánh giá. Khi bác sĩ lắc đầu vì không thể chẩn đoán, điều trị mà không được gặp người bệnh, chị rũ người xuống, nói trong nước mắt: “Tôi đã quá mệt mỏi rồi, tôi chỉ mong một giây phút nào mình được bình yên”.
Sợ bị con giết trong cơn say thuốc
Chị có 2 con trai, N. là con lớn. Việc thiếu vắng người cha trong gia đình khiến việc nuôi dạy con của chị thêm phần khó khăn. Vốn khí chất nóng nảy, từ nhỏ N. là một đứa trẻ ngỗ ngược. N. đã nghiện từ thời phổ thông và đổ lỗi là do “mẹ không mua xe máy mới cho con nên con buồn, con nghiện”. Ở tuổi 19, N. bị bắt và bị kết án 24 tháng tù giam vì những vấn đề liên quan tới ma túy trước sự bất lực của chị. Nỗi khổ của người mẹ càng thêm chất chồng khi N. được phát hiện nhiễm viên gan C, nghi do dùng chung kim tiêm khi sử dụng ma túy. Thời gian này là quãng ngày tối tăm nhất trong cuộc đời mà mỗi lần nghĩ lại chị đều rùng mình. Chị bươn chải, chạy vạy đến mức chẳng hề có một khoảng trống nào để nhìn vào bên trong, để thấy những tổn thương và cô đơn của bản thân và để nhận những lời động viên từ người thân.
Hết thời gian thụ án, N. trở về nhà, vẫn nguyên lối sống vô kỷ luật. Hết nghiện ma túy, N. chuyển sang nghiện game. Bằng rất nhiều sự động viên và hỗ trợ từ chị, N. bắt đầu đi làm ở tuổi 27, rất trễ so với bạn bè. Đây là niềm vui quá lớn đối với chị. Việc N. bừa bộn, ăn ngủ vô tổ chức, không dọn dẹp nhà cửa, chị chấp nhận được hết. Thấy con có sự tiến bộ chị vô cùng mừng.
Nhưng rồi N. thường xuyên thức trắng cả đêm đi đi lại lại trong phòng. Thấy con sức khỏe ngày càng suy giảm, lờ đờ, mệt mỏi, chị đưa N. đến bác sĩ để điều trị bệnh mất ngủ. Vấn đề phát sinh khi N. không chịu tuân thủ điều trị, tự ý dùng thuốc và hậu quả là phụ thuộc vào thuốc. N. chỉ an tâm khi uống thuốc an thần và đi ngủ. Tình trạng này kéo dài đến một giai đoạn N. rơi vào tình trạng thường xuyên thẫn thờ, mệt mỏi, mất ngủ, lục đục cả đêm, cáu bẳn, giận dữ không thể kiểm soát được và tấn công bạn gái của mình.
Trong những lúc bình tĩnh, N. chia sẻ với mẹ: “Con rất yêu T., T. rất tốt với con, nhưng con không hiểu sao con lại đánh T., mẹ ơi con bị bệnh rồi”. Chị lại đưa N. đến bệnh viện, trong lòng quặn lên nỗi đau và sự hoài nghi N. đã dùng ma túy tổng hợp như có lần bạn gái N. đã cảnh báo với chị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán con chị bị rối loạn lưỡng cực, một vấn đề về rối loạn tâm thần mà trước đó chị chưa từng biết. Tình trạng bệnh khiến con chị tăng hành vi tình dục, mất ngủ, giận dữ và thậm chí đã đánh cả bạn gái.
Bác sĩ cho chị hiểu rõ hơn về rối loạn lưỡng cực và đó cũng là biểu hiện của con trai chị trong suốt thời gian qua. Một trong những hậu quả của việc nghiện ma túy.
Sau một thời gian điều trị rối loạn lưỡng cực, N. bị tác dụng phụ của thuốc gây tình trạng rối loạn cương. Mối quan hệ với bạn gái bị sứt mẻ. N. càng gây hấn với mọi người mà chẳng vì nguyên nhân gì. N. chia tay bạn gái, quay về nhà mẹ ở và đóng cửa nhốt mình trong phòng, không cho người khác vào dọn dẹp.
Khi N. trở về nhà sống cùng mẹ và em trai, chị đã vô cùng lo lắng. Chị vừa xót cho con vừa lo sợ trong những lúc N. mất kiểm soát hành vi vì ảo giác do ma túy có thể gây họa lớn như các trường hợp mà báo chí đăng tải. Mọi vật sắc nhọn trong nhà đều được chị dọn ra khỏi tầm mắt. Sức ép quá lớn từ trách nghiệm của người mẹ đè nặng đôi vai chị, chị như kiệt sức và chỉ muốn buông xuôi tất cả.
Can thiệp tâm lý cho cả người bệnh và thân nhân
Thực tế có tới 2 đối tượng cần được can thiệp tâm lý ở đây. Bản thân người bệnh N. và thân nhân của anh, đặc biệt là người mẹ. Trong trường hợp này, người mẹ trụ cột gia đình là người cần phải được nâng đỡ tâm lý rất nhiều để đối mặt với thực tế và tìm ra nguồn lực để vực dậy tinh thần đã suy sụp sau bao tháng ngày khốn khổ vì con.
N. cần phải loại bỏ ma túy ra khỏi cuộc sống, trở lại điều trị với các bác sĩ về các vấn đề mất ngủ và rối loạn lưỡng cực bằng thuốc. Tiếp đến là việc can thiệp với các liệu pháp tâm lý phù hợp. Rất đáng lưu ý ở đây là việc N. dùng ma túy trong thời gian dài, có thể đã có những tổn thương thần kinh không thể phục hồi, vì vậy, tạo thêm khó khăn cho việc áp dụng các liệu pháp tâm lý. N. cần phải được theo dõi điều trị sát, kết hợp với các hướng dẫn cụ thể về hành vi để tạo một thói quen sống tích cực hơn.
Người bệnh rối loạn lưỡng cực cần được điều trị với thuốc để ổn định các chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể. Tiếp đó, người bệnh có thể được can thiệp tâm lý với các liệu pháp như CBT (nhận thức hành vi), một liệu pháp trị liệu tác động lên các ý nghĩ và hành vi với mục đích làm thay đổi các nhận thức của bệnh viện nhằm thay đổi cảm xúc và hành vi của người đó theo chiều hướng tích cực hay liệu pháp tập trung vào gia đình để nâng cao kiến thức cho gia đình về rối loạn lưỡng cực, xây dựng các kỹ năng để giải quyết căng thẳng. Can thiệp tập trung vào gia đình sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát bệnh và suy giảm chức năng tâm thần xã hội, cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần cho tất cả các thành viên trong gia đình, giảm thiểu và tối ưu hóa các nguồn lực xã hội.
Trần Nhung
(Cử nhân Tâm lý học Lâm sàng, Bệnh viện Bình Dân)