Khu căn cứ rừng Bàu Sen, hậu phương vững chắc của quân và nhân dân ta

Thứ Sáu, 06/03/2020, 21:28 [GMT+7]
In bài này
.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, khu căn cứ rừng Bàu Sen (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) trở thành nơi xây dựng căn cứ hậu cần, tiền phương vững chắc góp phần vào Chiến thắng Bình Giã oanh liệt, Chiến thắng Tầm Bó oai hùng. Ngày nay, nơi đây trở thành điểm thu hút khách du lịch muốn tìm lại với dấu ấn của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của quân và nhân dân địa phương. Đồng thời, với cảnh quan thiên nhiên xanh yên bình đầy thú vị, nơi đây cũng là một địa điểm du lịch sinh thái thú vị.

Các hoạt động du lịch sinh thái ở khu vực phía Nam rừng Bàu Sen.
Các hoạt động du lịch sinh thái ở khu vực phía Nam rừng Bàu Sen.

Bàu Sen vốn là một khu rừng nguyên sinh rộng lớn quanh năm ngập nước với những cây gỗ quý như sao, bời lời… cao hơn 20m phủ bóng mát. Ban đầu, rừng có diện tích là 120ha, sau ngày giải phóng, diện tích rừng bị thu hẹp còn lại 63ha, chủ yếu do người dân địa phương lấn chiếm. Bao quanh rừng là mảnh đất sình lầy rộng khoảng 10ha và cánh rừng cao su bạt ngàn. Nơi đây có dòng suối Tầm Bó chảy qua mang theo nguồn nước ngọt và nguồn thủy sản dồi dào. Rừng Bàu Sen nằm gần tuyến giao thông huyết mạch nối Long Khánh với Bà Rịa-Vũng Tàu, nay là quốc lộ 56. Nhờ những địa hình hiểm trở và vị trí chiến lược quan trọng của khu rừng, quân và nhân dân ta đã dựa vào đây làm căn cứ quan trọng để tổ chức nhiều cuộc tiến công đánh thắng giặc Mỹ, ngụy và quân chư hầu.

Theo ông Nguyễn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Xà Bang cho biết, đầu năm 1965, các đơn vị lực lượng vũ trang của miền Đông, tỉnh đội Bà Rịa-Long Khánh, du kích xã Ngãi Giao (nay là TT.Ngãi Giao), Cẩm Mỹ đã phối hợp xây dựng căn cứ hậu cần tại địa phương này để phục vụ chiến đấu và hoạt động cách mạng. Liên tiếp trong hơn 10 năm (1964-1975), tại khu rừng Bàu Sen, lực lượng cách mạng đã cho xây dựng các trạm quân y tiền phương, công binh xưởng, trung tâm liên lạc hợp đồng tác chiến. Tại rừng Bàu Sen, quân và dân địa phương đã cùng nhau đào hầm, hào làm nơi ẩn nấp để đánh giặc.

Xuất phát từ căn cứ rừng Bàu Sen, các lực lượng vũ trang của ta từ quân khu tới tỉnh, huyện, xã đã liên tục mở nhiều đợt tiến công tiêu diệt địch, gây cho quân địch nhiều tổn thất nặng nề. Qua đó ta đã giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm nên chiến thắng Bình Giã, chiến thắng Tầm Bó oai hùng; góp phần vào chiến dịch tổng tiến công và giải phóng hoàn toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tháng 4/1975; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chiến tranh, khu căn cứ rừng Bàu Sen đã trở thành nơi “che bộ đội”, nơi “vây quân thù”. 

Khu căn cứ rừng Bàu Sen, hậu phương vững chắc  của quân và nhân dân ta Trang 7
Tượng đài chiến thắng Tầm Bó được xây dựng trong khu di tích lịch sử Bàu Sen. Ảnh: NGỌC BÍCH

Nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử của dân tộc, năm 2007 Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã thực hiện xây dựng tượng đài chiến thắng Tầm Bó nằm trong khu di tích lịch sử Bàu Sen. Công trình có tổng diện tích 2.459m2, bao gồm những hạng mục Cụm tượng đài cao 11,2m (nhóm tượng cao 8,2m), mảng phù điêu thể hiện nội dung 3 chiến dịch Kim Long, Tầm Bó, Chòi Đồng với diện tích khoảng 70m2 và sân lễ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sân vườn, cây xanh… Công trình được xây dựng với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Đồng thời là một tác phẩm nghệ thuật mang ý nghĩa lịch sử, là điều kiện giáo dục truyền thống quý báu cho lớp trẻ trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Ngày 28/7/1983, Di tích lịch sử Bàu Sen đã được xếp hạng di tích lịch sử - cách mạng cấp tỉnh đối với khu rừng di tích Bàu Sen.

Hàng năm, vào dịp lễ, Quốc khánh 2/9, kỷ niệm Ngày thành lập Đảng 3/2, Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5… chính quyền xã Xà Bang tổ chức cho người dân, học sinh trên địa bàn tới thắp hương tại Tượng đài chiến thắng Tầm Bó nằm trong khu di tích Bàu Sen. Nhờ đó giúp cho các em HS, SV và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc. Đồng thời giáo dục tinh thần, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. “Di tích lịch sử Bàu Sen có ý nghĩa rất quan trọng với địa phương, nơi đây ghi dấu tinh thần dân tộc và đang được địa phương giữ gìn, phát huy trọn vẹn ý nghĩa của di tích trong suốt những năm qua”, ông Nguyễn Tám cho hay.

Bên cạnh giá trị lịch sử, di tích Bàu Sen còn có tiềm năng về du lịch. Hiện trong rừng vẫn còn nhiều loại cây gỗ quý. Bên cạnh khu rừng có hồ lớn, tạo nên khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, không khí trong lành. Từ cuối năm 1981, khu vực phía Nam rừng Bàu Sen đã được Công ty Cao su Đồng Nai đưa vào khai phá, xây dựng thành khu nghỉ mát với những vườn hoa cây cảnh, nhà thủy tạ, hồ sen… Ngày nay, nơi đây được mở rộng, đầu tư xây dựng tạo thành khu du lịch sinh thái Công viên Binon Cacao, là một nơi lý tưởng cho những buổi thư giãn, nghỉ dưỡng, cắm trại… vào cuối tuần.

Bài, ảnh: NGỌC BÍCH

 
;
.