.

Kết quả rà soát người nhập cảnh vào Việt Nam cư trú tại các địa phương

Cập nhật: 00:53, 26/03/2020 (GMT+7)

Tối 25/3, theo thông tin từ Bộ Công an, từ ngày 7-24/3/2020, có 36.911 người nước ngoài và 44.636 công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đang cư trú tại các địa phương.

Con số trên không bao gồm người nước ngoài và công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đang ở các khu cách ly tập trung.

Kết quả rà soát trên của Công an các đơn vị, địa phương nhằm thực hiện Công điện số 01 của Bộ trưởng Bộ Công an ngày 24/3/2020, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Trong Công điện 01, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu Thủ trưởng, Giám đốc Công an các địa phương chỉ đạo Công an phường, thị trấn, Công an xã tổ chức rà soát từng nhà, từng hộ dân, quản lý từng tổ dân, khu phố, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để lập danh sách người nước ngoài và công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về nước hiện đang cư trú tại địa phương từ 7-24/3/2020, báo cáo về Bộ trước 18 giờ ngày 25/3/2020 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế hướng dẫn hành khách thực hiện tờ khai y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)
Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế hướng dẫn hành khách thực hiện tờ khai y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Thủ trưởng Công an các cấp báo cáo ngay kết quả thống kê với Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp ở địa phương để chỉ đạo xử lý.

Ngay sau khi Công điện được ban hành, Công an các đơn vị, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "chống dịch như chống giặc". Bộ trưởng Bộ Công an cũng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp để rà soát những nơi tập trung đông người, qua đó tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân nâng cao ý thức, tự giải tán nhằm phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh, trật tự tại các địa điểm tổ chức cách ly tập trung; có kế hoạch phân công cán bộ, chiến sĩ thường trực theo ca kíp tại các điểm cách ly tập trung; trang bị đầy đủ các phương tiện, vật tư y tế cho cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; tuyệt đối không để cán bộ, chiến sĩ bị lây nhiễm trong khi làm nhiệm vụ.

Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại trụ sở cơ quan, đơn vị mình; lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp gương mẫu và quán triệt cán bộ, chiến sĩ hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp đông người để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng. Các đơn vị có phương án bố trí 3 kíp làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao để triển khai công tác, không để cả đơn vị phải cách ly.

Các đơn vị tổ chức thành lập bộ phận thường trực (gồm cán bộ y tế, hậu cần, điều lệnh…) để tổ chức y tế ban đầu (đo thân nhiệt, mở sổ theo dõi hoạt động ra vào trên cơ sở yếu tố dịch tễ; yêu cầu đeo khẩu trang và hướng dẫn thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh) đối với tất cả người dân và cán bộ, chiến sĩ đến đơn vị làm việc, liên hệ công tác, nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp mắc, nghi mắc COVID-19 để có phương án ứng phó.

Các đơn vị y tế trong Công an nhân dân phải chủ động bám sát nhiệm vụ chính trị của các đơn vị để tổ chức phòng ngừa dịch COVID-19. Bộ trưởng giao Cục Y tế chủ trì khẩn trương tổ chức các khu cách ly, bệnh viện dã chiến để thường trực sẵn sàng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong lực lượng Công an nhân dân và dự phòng phục vụ nhân dân.

Các đơn vị nghiệp vụ liên quan và Công an các tỉnh biên giới chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý biên giới, kiểm soát người và phương tiện qua lại biên giới nhằm ngăn chặn nguồn lây lan dịch COVID-19.

Trước tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước, diễn biến tội phạm có thể sẽ có những tác động, diễn biến phức tạp, lực lượng Công an cần tập trung công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phát hiện, xử lý kịp thời những đối tượng chống đối, đăng tin tuyên truyền xuyên tạc, gây hoang mang trong nhân dân; các đối tượng không chấp hành các quy định của pháp luật, quy định phòng, chống dịch bệnh, tội phạm hình sự khác như trộm cắp, gây rối, buôn lậu, sản xuất hàng giả…, nhất là hàng hóa liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

XUÂN TÙNG

.
.
.