Hậu phương vững chắc

Thứ Tư, 04/03/2020, 21:16 [GMT+7]
In bài này
.

Có thể nói, trong chiến dịch Bình Giã, quân và dân ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó hậu phương là nhân tố cơ bản. Phụ nữ là lực lượng lao động chính, ngày lo việc ruộng rẫy, tối tham gia việc xã, ấp: xay, giã, dần sàng, gánh, vác, bốc xếp, chuyên chở lương thực phục vụ cho chiến dịch.

Các cán bộ nữ cơ quan Tỉnh ủy Bà Rịa tại căn cứ rừng Châu Pha.
Các cán bộ nữ cơ quan Tỉnh ủy Bà Rịa tại căn cứ rừng Châu Pha.

Ngay sau khi xã Long Phước được giải phóng (20/11/1964), Chi bộ Long Phước nhận được chỉ thị phải khẩn trương đưa dân về đất cũ làm ăn và vận động đồng bào tích cực đóng góp ủng hộ cho bộ đội. Ban chỉ đạo quyên góp và thu mua lương thực xã Long Phước được thành lập, do Bí thư Chi bộ làm Trưởng ban, cùng các ủy viên, đại diện Hội mẹ chiến sĩ, đại diện Nông hội xã, đại diện Phụ nữ xã.

Với khí thế của một xã vừa giải phóng, đồng bào Long Phước hăng hái thu hoạch và góp gạo nuôi quân. Người ít, người nhiều, mỗi nhà đều góp từ 2 đến 3 thùng thóc. Cả xã có 800 hộ nông dân đã góp trên 40 tấn thóc trong đợt này. Các hộ buôn bán thì góp tiền, hàng hóa, thực phẩm. Các hộ có vườn, rẫy nhiều thì góp thêm chuối, mít non, đu đủ, bí, bầu. Thóc từ ngoài ruộng, trái cây từ trong vườn được chuyển ra các điểm tập trung ven hương lộ của từng ấp để các đội vận tải chuyển về nơi quy định. Nhiều em nhỏ chưa biết mặc quần cũng lon ton theo mẹ ra vườn gom từng trái mít non, đu đủ xanh cho bộ đội.

Chị em phụ nữ Long Phước có sáng kiến gửi tiền cho nhiều gia đình quen biết ở ấp Long Phượng, Long Tân, ven lộ thuộc Long Điền mua rồi bỏ vào các thùng rác để trước nhà. Tối đến, cơ sở của ta đi xe lam chở hàng ghé từng điểm lấy thuốc tại các thùng rác, không làm đồng bào lo ngại. Bà Từ Thị Láng, bà Lý Tú Cầm (bà Sáu Tàu Hũ) là hai cơ sở cốt cán (người Hoa) đã vận động bà con buôn bán ở chợ Long Điền ủng hộ tiền bạc, mua giúp thuốc tây và các nhu yếu phẩm thiết yếu để chuyển về cửa khẩu Long Tân, Long Phước.

Đồng bào các xã Hòa Long, Long Phước, Long Tân, Ngãi Giao một mặt khui bô lúa đem xay xát bán cho bộ đội, mặt khác lớn hơn, đồng bào liên hệ với các chủ vựa gạo ở chợ Long Khánh, chợ Long Điền nhanh chóng mua gạo ở Sài Gòn về bán cho cách mạng. Nhân dân các xã Phước Tụy, Thạnh Mỹ (nay là xã Phước Thạnh), Phước Thọ (nay là xã Phước Long Thọ) có cánh đồng ruộng giáp với căn cứ, khi thu hoạch vụ mùa chỉ mang lúa về đủ ăn, còn để lại ngay trên ruộng cho bộ đội.

Hai xã giải phóng Long Tân và Long Phước là hậu phương trực tiếp của chiến dịch. Xã Long Tân trở thành căn cứ của các cơ quan kháng chiến, các đơn vị bộ đội huyện và tỉnh. Toàn bộ cán bộ, du kích và nhân dân hai xã được huy động, tập trung phục vụ chiến đấu. Nhân dân Long Tân đã đóng góp hàng chục xe bò lúa gạo nuôi bộ đội. Vùng giải phóng xã Long Tân là nơi phục vụ rất tích cực cho Chiến dịch Bình Giã. Từ nam nữ thanh niên đến các cụ già, trẻ nhỏ, mỗi người một nhiệm vụ góp công góp của cho kháng chiến. Nam thanh niên từng xã hăng hái tham gia tòng quân, nữ thanh niên ở lại đi dân công tải đạn, đào địa đạo, giao thông hào, các má đi vận động lương thực, thuốc men.

Chị em phụ nữ Ngãi Giao đã đóng góp và tổ chức thu mua hàng chục tấn gạo, cung cấp hàng trăm ngày công, nhiều thuốc men nhằm phục vụ cho chiến dịch. Lúa gạo từ các nơi được bí mật chuyển về các kho dựng tạm ven lộ 2. Các máy xay lúa ở Long Phước hoạt động cả ngày lẫn đêm suốt cả tháng trời. Nhân dân trong các vùng giải phóng ra Long Điền, Bà Rịa mua từng cân muối, đèn pin, thuốc men... công nhân cao su sử dụng xe hơi, máy cày của cơ sở vận chuyển lương thực ra chiến trường.

Chỉ trong gần 2 tháng, các má, các chị đã vận động, quyên góp được một lượng lớn lương thực, giúp cho Hậu cần Miền thu mua được 417,5 tấn gạo và một khối lượng lớn thực phẩm, thuốc men đủ cho bộ đội (trên 7.500 người) sử dụng trong suốt chiến dịch. Đông đảo đồng bào các xã cùng hậu cần bộ đội ngày đêm vận chuyển lương thực bằng xe bò, lớp khuân vác gồng gánh đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu thiết yếu về gạo, muối, cá khô, thuốc tây cho đến khi kết thúc Chiến dịch Bình Giã.

Các má, các chị đã trải qua bao khó khăn, nguy hiểm, vượt qua các trạm kiểm soát của địch, đối phó với bọn mật vụ, chỉ điểm để hoàn thành nhiệm vụ. Có những khi hiểm nguy rình rập, đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, các má, các chị vẫn bình tĩnh, kiên cường đối đầu, đấu trí với địch, khi cần thiết sẵn sàng hy sinh để đảm bảo bí mật và bảo vệ từng lon gạo cho bộ đội. Tất cả thể hiện một tinh thần yêu nước, một ý chí kiên trung, là một sự đóng góp to lớn của phụ nữ tỉnh nhà trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

VÂN ANH

(Theo Ký ức Phụ nữ miền Đông, NXB Đồng Nai)

 
;
.