Giữ mãi tấm lòng son

Thứ Năm, 05/03/2020, 20:56 [GMT+7]
In bài này
.

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, các chị, các má của BR-VT luôn giữ tinh thần kiên trung, bất khuất. Bà Phạm Thị Sơn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam là một trong những phụ nữ như thế. 

Bà Phạm Thị Sơn (ngoài cùng bên trái) tại buổi họp mặt Phụ nữ  miền Đông lần thứ 11, tổ chức tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền.
Bà Phạm Thị Sơn (ngoài cùng bên trái) tại buổi họp mặt Phụ nữ miền Đông lần thứ 11, tổ chức tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, tại quê hương có truyền thống cách mạng xã Long Phước, TP. Bà Rịa. Năm 13, 14 tuổi, tôi là cơ sở mật của anh Nguyễn Văn Cường - Xã đội trưởng Long Phước. Anh trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi đi nắm bắt tình hình địch, phục vụ đưa tin tức, rải truyền đơn. Tôi cùng anh, chị em trong trung đội dân quân phần lớn là nữ: Chị Sáu Seo, Năm Giỏi, Tư Bé, Tư Oanh, Ba Ánh, Hai Giỏi, Ba Nhiệm, Chị Hồng... (do anh Tư Phó làm Trung đội trưởng), đi đào địa đạo, xây ụ chiến đấu, đào hầm chông, hố đinh, phá đường, phá ấp chiến lược... Mỗi đêm, được đi công tác, mọi người đều rất vui và xem mỗi nhát cuốc của mình như những viên đạn nã vào đầu Mỹ - Diệm. 

Năm 16 tuổi, tôi xin phép ba, má được thoát ly đi kháng chiến. Còn nhớ, năm đó tôi được chuyển sang làm công tác phong trào. Tôi còn nhớ, lúc địch chủ trương gom dân tại xã Long Phước, tôi đã cùng chi bộ xã ra sức vận động bà con đấu tranh nhất định không đi, quyết bám làng, bám đất làm ăn, đào hầm chứa lương thực trong làng để cung cấp cho bộ đội. Thực hiện hiệu quả nguyên tắc “tam cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và nhờ ý chí phấn đấu, quyết tâm cao, ra sức bám dân, bám địa bàn nên tôi được cấp trên đánh giá cao, nhân dân thương yêu tín nhiệm. Từ một cán bộ phong trào, tôi được kết nạp vào Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), được giao trọng trách là Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện Đoàn, cơ cấu là Huyện ủy viên, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy. Do nhiệm vụ cách mạng, nhiều lúc tôi được bố trí xuống trực tiếp làm Bí thư các xã Phước Thái, Hòa Long..., đi chỉ đạo các vùng yếu đang gặp khó khăn. Quá trình công tác cơ sở nhiều năm đã giúp cho tôi có nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở cũng như trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào ở địa phương. 

Trong thời kỳ “Chiến tranh đặc biệt”, hoạt động cách mạng rất vui, đêm nào tôi cũng cùng với anh em đi vận động thanh niên phá ấp chiến lược, vận động dân hù dọa địch, bức hàng, bức rút đồn bốt địch, về Long Phước tham gia đào địa đạo, xây ụ chiến đấu. Chiến dịch Bình Giã mở ra từ cuối năm 1964 đến tháng 1/1965 rất ác liệt nhưng vui lắm, thắng trận giòn giã. Lúc này tôi cùng với số anh em cán bộ vận động cả trăm thanh niên đi dân công tải thương tải đạn, cả ngày đêm nườm nượp xe thồ, xe bò, dân công mang vác vũ khí, lương thực cho bộ đội ăn no đánh thắng, vùng giải phóng được mở rộng khắp.

Năm 1974, tôi được Huyện ủy phân công xuống làm Bí thư xã Hòa Long. Tôi đã cùng chi bộ bám trụ vận động quần chúng lãnh đạo đấu tranh, xây dựng cơ sở. Qua 5 tháng đã phát triển được đảng viên, củng cố chi bộ, bổ sung cán bộ các ban, ngành, đoàn thể xã, đưa các hoạt động vào nề nếp. Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, TP. Vũng Tàu, tỉnh Biên Hòa, Tân Phú được sáp nhập thành tỉnh Đồng Nai, TX. Bà Rịa, huyện Châu Đức được nhập lại thành huyện Châu Thành. Tôi được bố trí là Huyện ủy viên, Bí thư xã Phước Lễ. Một năm sau, tôi được rút về và cơ cấu vào Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận. Thời gian này, tổ chức bố trí cho tôi đi học chính trị tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ở Thủ Đức.

Sau 2 năm đi học về, hai vợ chồng đều được bố trí về Đồng Nai công tác với vai trò là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, sau chuyển sang phụ trách Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai. Ở cương vị mới khá nặng nề, nhưng bản thân luôn biết sắp xếp việc gia đình và thực hiện tốt công việc cơ quan. Cuối năm 1990, Trung ương quyết định thành lập lại tỉnh BR-VT, đúng với địa giới của tỉnh Bà Rịa cũ. Về Bà Rịa, tôi được Đảng phân công nhận nhiệm vụ Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Với nhiệm vụ này, tôi đã ra sức nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nhất là đoàn kết tôn giáo dân tộc, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tham gia sản xuất, làm ăn.

Nghĩ lại cả cuộc đời hoạt động của mình gian khổ lắm, nhưng lúc nào cũng có sự cộng đồng trách nhiệm của đồng chí, đồng đội. Tình thương yêu nhau và sự hết mình giúp đỡ, giáo dục của các đồng chí đàn anh, đàn chị đi trước đã tạo cho tôi một quan điểm sống, nghị lực sống, một tinh thần trách nhiệm với công việc của Đảng, của địa phương, của đất nước. Vì vậy, dù khó khăn, gian khổ đến mấy tôi đều vượt qua. 

PHẠM THỊ SƠN

(Theo Ký ức phụ nữ miền Đông - NXB Đồng Nai)

 

;
.