Y tế tuyến xã là cơ sở y tế gần dân nhất, đảm nhiệm vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, có ý nghĩa quan trọng với khu vực vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, bề thế nhưng một số cơ sở y tế tuyến xã vẫn không phát huy được hiệu quả sử dụng. Để thay đổi điều này, ngành y tế đang từng bước đổi mới phương thức hoạt động của các trạm y tế (TYT). Nhờ đó, đến nay các TYT đã không còn cảnh đìu hiu, vắng bóng bệnh nhân.
Bác sĩ siêu âm cho bệnh nhân đến khám tại Trạm Y tế xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). |
PHÁT HUY HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG
Huyện Xuyên Mộc là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đổi mới phương thức hoạt động để phát huy hiệu quả của y tế tuyến xã. Điều đó thể hiện rõ nét ở việc thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại TYT ngày càng tăng hơn. Chẳng hạn, tại TYT xã Bình Châu, một trong những xã vùng xa của huyện Xuyên Mộc, hiện đang thực hiện mô hình quản lý bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường, hen phế quản…
Mô hình này đã đem lại lợi ích cho người dân trên địa bàn xã. Cụ thể, người dân được khám, điều trị, theo dõi sức khỏe các bệnh mãn tính xuyên suốt mà không phải đi xa lên TTYT huyện như trước đây. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, hay có vấn đề sức khỏe cần can thiệp sâu hơn, bác sĩ của trạm giới thiệu bệnh nhân lên các tuyến trên. Khi điều trị ổn định, bệnh nhân lại trở về theo dõi sức khỏe tại TYT. Bác sĩ Đặng Thị Kim Thơm, Trưởng TYT xã Bình Châu cho biết, Trạm hiện có 11 nhân sự, trong đó có 1 bác sĩ. Trạm được trang bị khá đầy đủ các thiết bị y tế để triển khai các kỹ thuật như: siêu âm, đo điện tim, máy thử đường huyết và các xét nghiệm nhanh về sốt rét, cấp cứu các trường hợp hen suyễn bị lên cơn khó thở cấp…
Từ khi triển khai mô hình nói trên, không chỉ những bệnh nhân đã có bệnh mãn tính mà những người cao tuổi cũng thường xuyên đến đây để kiểm tra sức khỏe, phát hiện các bệnh lý mãn tính thường gặp ở người già. Bà Phạm Thị Dung (65 tuổi, ngụ tại xã Bình Châu) là một trong số đó. Hiện bà vẫn đang khỏe mạnh nhưng vì cao tuổi nên hằng tháng bà vẫn đến trạm để khám, kiểm tra huyết áp, đường huyết và nghe bác sĩ tư vấn để kiểm soát những chứng bệnh này tốt hơn. Bà bày tỏ: “Già rồi, sức khỏe yếu, không bệnh này thì cũng bệnh kia. TYT ở gần nhà nên thường xuyên đến kiểm tra, có bệnh thì chữa sớm, sức khỏe được duy trì tốt hơn. Bác sĩ và các cô điều dưỡng ở đây rất tận tình, không chỉ khám kỹ mà còn tư vấn cho tôi ăn uống, tập luyện như thế nào để bảo đảm sức khỏe”.
Tại TYT thị trấn Long Điền, ông Huỳnh Tân Tiến, Trưởng trạm cho biết, từ lâu nay trạm chưa có bác sĩ nên việc triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Để thay đổi điều này, từ đầu năm 2019, TTYT huyện Long Điền đã bố trí bác sĩ về tăng cường cho trạm 4 buổi chiều/tuần để hỗ trợ khám, chữa bệnh, phát hiện sớm các bệnh lý mãn tính của người dân. Qua đó, trạm đưa vào quản lý, theo dõi điều trị cho những người dân có bệnh mãn tính trên địa bàn. Do được bố trí bác sĩ về trạm khám nên một số danh mục thuốc chữa các bệnh mãn tính mà trước đây chỉ sử dụng ở TTYT huyện trở lên thì nay cũng đã được bổ sung thêm vào danh mục thuốc được sử dụng tại trạm. Nhờ đó, phòng khám đã thu hút khá đông bệnh nhân. Hiện nay trung bình 1 tháng trạm có từ 1.700-1.800 lượt tbệnh nhân đến khám, chữa bệnh.
100% TYT ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA
Theo đánh giá của Sở Y tế, trong năm qua, ngành y tế tỉnh đã triển khai đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Chính quyền các địa phương cũng đã chung tay cùng ngành y tế để đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị y tế và phương tiện làm việc cho các TYT trên địa bàn. Đến nay, hầu hết TYT đều có cơ sở khang trang, đầy đủ thiết bị, dụng cụ y tế cơ bản. Song song đó, ngành y tế đã từng bước tuyển dụng, bố trí nhân lực với các chức danh cần thiết, thường xuyên chỉ đạo tuyến, giám sát, hỗ trợ để nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại tuyến cơ sở.
Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, bám sát những nhiệm vụ mới, những năm gần đây, hệ thống y tế tại tuyến xã tập trung nâng cao năng lực phát hiện, phòng ngừa các bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, thực hiện chương trình mục tiêu y tế - dân số, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêm chủng phòng bệnh… Đây được coi là nhiệm vụ chính xuyên suốt của các TYT, nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Nhờ đó, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngay tại cộng đồng ngày càng được nâng lên.
Theo báo cáo của Sở Y tế, nhờ đổi mới phương thức hoạt động, tính đến nay 100% TYT xã có bác sĩ làm việc, 100% TYT đạt tiêu chí quốc gia về y tế tuyến xã. Số lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh thực hiện theo phân tuyến kỹ thuật của trung tâm y tế huyện, TYT xã ngày càng tăng. Trong năm 2019, số lần khám bệnh đạt hơn 3 triệu lượt khám, trong đó, tuyến xã chiếm 15%. |
Hiện các TYT đang đảm nhiệm triển khai khoảng 25 chương trình y tế thuộc lĩnh vực dự phòng đến với cộng đồng. Bên cạnh đó, y tế tuyến xã còn thực hiện chức năng khám chữa bệnh, kết hợp y học cổ truyền và cung ứng thuốc thiết yếu. Ngoài ra, y tế tuyến xã còn thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, quản lý sức khỏe, truyền thông-giáo dục sức khỏe.
Với những TYT ở khu vực đô thị, gần các bệnh viện, trung tâm y tế, ngành y tế không đặt nặng vai trò khám, chữa bệnh mà tập trung cho công tác dự phòng các bệnh truyền nhiễm. Trong bối cảnh có dịch bệnh thì vai trò của các TYT sẽ là nơi tiếp nhận, xử lý ban đầu và cách ly bệnh nhân trên địa bàn trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Hiện nay trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19 xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh thì đội ngũ nhân viên y tế của TYT còn là lực lượng giám sát, theo dõi, tư vấn hướng dẫn cho người cách ly tại nhà, nơi cư trú; tổ chức các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn phường, xã, thị trấn…
MINH THIÊN