Cô trò nhỏ kể chuyện với Bác Hồ bằng thơ
Trong cuộc thi “Bác Hồ trong trái tim em” do Hội đồng Đội tỉnh phát động, bài dự thi của em Nguyễn Hoài An (bút danh Phạm Thị Ánh), HS lớp 4/2 Trường TH Trưng Vương (TP. Vũng Tàu) đã gây ấn tượng mạnh bởi sự độc đáo. Đây là một bài thơ, cũng là bức thư kể với Bác Hồ về công cuộc chống dịch COVID-19 của toàn Đảng, toàn dân hiện nay.
Cô Phùng Thị Phương Nam trao đổi với bé Hoài An (bìa phải) cùng một số bạn HS trong lớp về cách viết bài dự thi “Bác Hồ trong trái tim em”. |
BÀI DỰ THI ĐỘC ĐÁO
Tháng 2 vừa qua, Hội đồng Đội tỉnh phát động cuộc thi vẽ tranh và viết bài cảm nhận về chủ đề “Bác Hồ trong trái tim em”. Trong khi phân loại các bài dự thi để Ban Giám khảo chấm giải, chị Nguyễn Thị Mỹ Điệp, Ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh Đoàn đã “phát hiện” bài dự thi rất đặc biệt. “Đó không phải một bức tranh hay một bài văn như các em khác thường làm mà là một bài thơ viết bằng nét chữ khá đẹp. Bài thơ mang tên “Bài thơ nhớ Bác”, là lời của em HS kể cho Bác nghe về tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 của cả nước”, chị Mỹ Điệp kể.
Bài dự thi độc đáo này đã thôi thúc chị Mỹ Điệp đọc đi đọc lại nhiều lần và đi từ cảm xúc ngạc nhiên, thú vị đến xúc động. Sau đó, chị tiếp tục tìm hiểu thêm và được biết nhà thơ “nhí” là em Nguyễn Hoài An, HS lớp 4, Trường TH Trưng Vương (TP. Vũng Tàu). Cách gieo vần bài thơ chưa thuận, nhưng ý tứ, cách thể hiện có sự sáng tạo, mang tính thời sự. Bài thơ mở đầu một cách rất tự nhiên, như bức thư gửi cho người thân:
“Bác ơi, con viết mấy vần thơ
Xin kể Bác nghe chuyện bây giờ
Đất nước đang ra tay chống dịch
Biết bao người thầm lặng vì dân”
Trong “bức thư” dài 50 câu, cô bé Hoài An đóng vai người kể chuyện rất có duyên, cuốn người đọc vào câu chuyện của mình. Em kể với Bác về chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi toàn dân chung tay chống dịch, về câu chuyện cảm động các chú bộ đội nhường doanh trại làm nơi cách ly hay các y, bác sĩ “quên gia đình vì bệnh nhân yêu quý”. Em cũng không quên “kể Bác nghe” chuyện học tập của các em HS trong thời COVID-19:
“Và chúng con cũng có quyết tâm cao
Không vì dịch mà bỏ qua học tập
Sân trường kia chẳng đông vui tấp nập
Cô giảng bài qua trực tuyến online
Học trò ngoan vẫn sớm tối miệt mài
Lo bài vở để nâng cao kiến thức…”
Lời kể chân thực, hồn nhiên, nhưng Hoài An không quên gắn kết câu chuyện của mình với chủ đề “Bác Hồ trong trái tim em”. Xuyên suốt câu chuyện của Hoài An là hình ảnh Bác với những lời dạy của Người. Qua đó, người đọc cảm nhận được rằng Bác Hồ không chỉ ở trong trái tim cô học trò nhỏ mà còn soi sáng, dẫn đường trong trái tim của người dân cả nước:
Toàn dân ta học tấm gương đạo đức
Của Bác Hồ dù Người đã đi xa
Đoàn kết, yêu thương như một mái nhà
… Lời Bác xưa ta vẫn nhớ khắc ghi
Toàn dân ta phải đánh tan giặc đói
… Chiến dịch này so với xưa có khác
Không hầm hào hay vũ khí bom bay
Nhưng các anh vẫn thầm lặng bao ngày
Vì Nhân dân-Cộng đồng-Sức khỏe…
Xúc động trước bài thơ của cô học trò nhỏ, chị Mỹ Điệp chia sẻ: “Bài thơ mang tính thời sự, dễ hiểu, dễ nhớ, có thể trở thành hình thức tuyên truyền mới mẻ, sinh động. Do đó, Ban Tổ chức dự định đăng bài thơ lên Fanpage Tuổi trẻ BR-VT của Hội đồng Đội tỉnh, đồng thời gửi ra Hội đồng Đội Trung ương làm tài liệu tuyên truyền trong giai đoạn cả nước đang chung tay phòng chống dịch”.
Bài dự thi của em Nguyễn Hoài An (bút danh Phạm Thị Ánh). |
Bà Trần Thị Phúc, mẹ bé Hoài An hướng dẫn con học bài. |
CÔ HỌC TRÒ CÁ TÍNH
Trò chuyện với chúng tôi, Hoài An cho biết, trong các buổi học ở trường, em và các bạn thường được cô Phùng Thị Phương Nam, GV chủ nhiệm đọc cho nghe những bài thơ hay nên rất thích thú. Khi nhà trường phát động cuộc thi, Hoài An nghĩ rằng mình phải làm được điều gì đó khác biệt. “Cô Phương Nam đã gợi ý chúng em có thể viết bài gắn với một vấn đề đang được mọi người quan tâm. Thấy các bạn đều vẽ tranh, viết bài cảm nhận, em quyết định chọn viết bài cảm nhận bằng thơ về việc phòng chống dịch COVID-19. Đôi lúc thấy “bí”, em phải tạm dừng và trao đổi với mẹ hoặc gọi điện nhờ cô giáo góp ý. Phải mất gần 10 ngày, em mới viết xong”, Hoài An nói.
Chị Trần Thị Phúc, mẹ Hoài An cho hay, gia đình không có ai hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nhưng từ nhỏ Hoài An đã thích đọc sách, viết văn. Em đã được các cô giáo ở trường “truyền cảm hứng”, góp phần nuôi dưỡng đam mê. Ở nhà, gia đình luôn tạo điều kiện cho An đọc sách, xem chương trình thời sự để mở rộng vốn kiến thức xã hội. Ba mẹ cũng thường xuyên kể cho con nghe những câu chuyện cảm động, ý nghĩa trong công cuộc phòng chống dịch bệnh hiện nay để bé có thêm tư liệu, cảm xúc khi thực hiện bài dự thi của mình.
Cuộc thi vẽ tranh và viết bài cảm nhận với chủ đề “Bác Hồ trong trái tim em” do Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức. Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 10/2 đến hết tháng 5/2020. Cuộc thi là sân chơi giúp các em thiếu nhi, đội viên tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ; việc thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng; tạo điều kiện cho các em thể hiện tình cảm của mình với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. |
Cô Phùng Thị Phương Nam, GV chủ nhiệm lớp 4/2 nhận xét, Hoài An là HS giỏi toàn diện, ham học hỏi, thích đọc sách. Em có năng khiếu nổi trội ở bộ môn ngữ Văn với những bài viết rất có hồn. Trong học tập, Hoài An luôn muốn tìm cách làm mới, không đi theo khuôn mẫu có sẵn. Do đó, khi nghe Hoài An chia sẻ mong muốn viết bài dự thi bằng thơ, cô đã động viên để em mạnh dạn thực hiện ý tưởng của mình. Cô Phương Nam cho biết: “Nhận được tác phẩm đầu tay của Hoài An, tôi thấy em có sự sáng tạo, tìm tòi. Đôi chỗ, câu từ còn ngô nghê, cách gieo vần chưa chuẩn hoặc có câu còn tối nghĩa, tôi chỉ cho em tự sửa”.
Gần cuối bài, Hoài An lúng túng không biết nên kết bài như thế nào thì được cô Nam gợi ý: “Nếu còn nhiều điều muốn nói, chưa kể hết ở bài thơ này, em có thể để bài sau kể tiếp”. Vậy là, cô trò nhỏ kết thúc bài thơ của mình một cách rất nhẹ nhàng bằng một lời hẹn: “Bác ơi! Câu chuyện vẫn còn dài./Con kể Bác nghe vào kỳ sau Bác nhé!”.
HOÀNG DƯƠNG