Chống nghẽn mạng

Thứ Năm, 26/03/2020, 23:37 [GMT+7]
In bài này
.
Khi mà tất cả các giao dịch làm ăn, mua bán, việc học hành, trao đổi thông tin cùng lúc được thực hiện trên mạng internet thì nâng cấp và bảo mật đường truyền là việc làm cấp thiết. Các đơn vị viễn thông BR-VT đã sớm vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm thông suốt cho hoạt động liên lạc, kết nối qua mạng.
Em Nguyễn Lê Ngọc Minh (huyện Côn Đảo) học trực tuyến trên ứng dụng Zoom.
Em Nguyễn Lê Ngọc Minh (huyện Côn Đảo) học trực tuyến trên ứng dụng Zoom.

Để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, HS không đến trường học tập trung mà chuyển sang học trực tuyến; người lao động làm việc qua mạng thay vì phải đến công ty; các hoạt động mua sắm, thanh toán, giao dịch đều thực hiện trên môi trường mạng. Theo số liệu của Bộ TT-TT, trước đây trung bình mỗi tuần có 27.000 người sử dụng các ứng dụng trực tuyến. Giờ đây, mức độ sử dụng các ứng dụng trực tuyến tăng gấp 3-5 lần. Vì vậy, tình trạng nghẽn mạng thường xuyên xảy ra. 

Hiện tại có nhiều ứng dụng học trực tuyến như: E-Learning, Viettel Study, Zoom; vio.edu.vn, tuyen sinh247.com, 789.vn hoặc thông qua các chương trình học do các Đài truyền hình thực hiện. Tại BR-VT, E-Learning của VNPT là ứng dụng học trực tuyến phổ biến nhất được nhiều phụ huynh học sinh sử dụng để học tập online trong mùa dịch bởi các trường hiện đang tích hợp nhiều ứng dụng khác của VNPT nên dễ dàng đăng nhập hơn. Tư liệu học ở trên E-Learning có thể ở dạng phim, ảnh, tài liệu… trực tiếp upload lên hệ thống hoặc từ bất cứ nguồn tư liệu sẵn có khác như Youtube, Google, Wiki… hoặc website của nhà trường. 

Cô Nguyễn Thị Sông Thương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh dự giờ dạy trực tuyến của GV bộ môn.
Cô Nguyễn Thị Sông Thương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh dự giờ dạy trực tuyến của GV bộ môn.

Tuy nhiên, trong những ngày qua theo phản ánh của nhiều phụ huynh và học sinh ứng dụng này đang bị quá tải, khiến việc học trên ứng dụng gặp nhiều khó khăn. Em Phạm Minh Đức, lớp 12B3 Trường THPT Vũng Tàu cho biết: “Học trực tuyến trên E-Learning hoặc trên Zoom rất thuận tiện, nhưng thời gian gần đây, do nhiều người cùng sử dụng nên thường xảy ra tình trạng bị lỗi khi đăng nhập. Nhiều lúc đang học thì hình ảnh bị mờ, rung; âm thanh bị méo khiến việc tiếp nhận nội dung bài học chưa trọn vẹn”. 

Không chỉ học, làm online mà từ đầu mùa dịch, nhiều người dân đã chuyển sang hình thức mua hàng trực tuyến, thanh toán online thay vì phải đến trực tiếp các cửa hàng, siêu thị... Vì vậy, trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) phố biến như Lazada, Tiki, Amazon, Shopee… cũng thường xuyên quá tải do lượng đơn hàng tăng đột biến. Theo thống kê, có những thời điểm sàn TMĐT phát sinh 4.000-5.000 đơn hàng/phút (tăng khoảng 150% so với ngày thường) nên xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Chị Phạm Thị Thảo (93/18, Lê Lợi, Phường 4, TP.Vũng Tàu) cho biết, chị đặt một số mặt hàng trên sàn TMĐT. Ngày thường chỉ chưa đầy 1 phút là có thư xác nhận đơn hàng, nhưng những ngày gần đây phải mất cả ngày sau mới có thư điện tử xác nhận. 

HS học trực tuyến VNPT-Elearning.
HS học trực tuyến VNPT-Elearning.

Theo các công ty phân tích mạng, mức trần sử dụng băng thông internet trên toàn thế giới, đặc biệt là những quốc gia bị ảnh hưởng bởi COVID-19 (trong đó có Việt Nam), trong 4 tuần qua đã tăng từ 20-40%, trong đó hầu hết đều là các dữ liệu phim ảnh. Do đó, tình trạng nghẽn mạng xảy ra cũng là điều dễ hiểu. Do đó, một số kênh như Yotube, Facebook, Amazon… đã giảm độ phân giải của hình ảnh. Còn theo Trung tâm kinh doanh VNPT BR-VT, sở dĩ ứng dụng học trực tuyến E – Learning quá tải là do lượng người truy cập cùng lúc quá nhiều, đặc biệt là ở khung giờ từ 18-21 giờ hằng ngày. Ngoài ra, một số khách hàng sử dụng những gói dịch vụ dung lượng thấp thì mùa dịch này cũng rất khó tải các nội dung có dung lượng lớn.

Ông Phạm Hoàng Vinh, phụ trách truyền thông Trung tâm Kinh doanh VNPT BR-VT cho biết, để khắc phục tình trạng này,VNPT đang tiếp tục tăng dung lượng trên 5 tuyến truyền dẫn quốc tế qua hệ thống cáp quang biển và 3 tuyến truyền dẫn trên đất liền. Bên cạnh đó, VNPT BR-VT cũng khuyến khích người dùng nên chuyển sang học những khung giờ khác nhau trong ngày để có đường truyền và bài học tốt nhất. “Ngoài ra, để san tải vào các giờ cao điểm thì nhà trường, giáo viên cần cập nhật trước giáo án trên hệ thống giáo dục trực tuyến để HS-SV có thể vào học bất cứ khung giờ nào”, ông Vinh tư vấn.

Hiện các sàn TMĐT cũng nỗ lực xây dựng, nâng cấp đường truyền và các ứng dụng mua sắm, đơn giản hóa các thao tác khi mua sắm trực tuyến, giúp bảo đảm tốc độ xử lý thông tin đơn hàng và chuyển đến các kho nhanh chóng.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.