Các hãng taxi, các hãng xe tư nhân, các bến xe địa phương đều nhận được yêu cầu từ phía đơn vị chủ quản là Sở GT-VT về việc thực hiện nghiêm các giải pháp phòng hộ theo khuyến cáo của Bộ y tế. Tuy nhiên, hiệu quả ra sao vẫn tùy thuộc rất nhiều vào nhận thức của cả lái xe lẫn hành khách trong mỗi chuyến đi.
Nhân viên xe Minh Phúc phun sát khuẩn xe trước khi xuất bến. |
“XIN MỜI RỬA TAY SÁT KHUẨN”
Cùng một người bạn đi bộ ra đầu xóm vào giữa trưa, tôi dễ dàng bắt được một chiếc taxi đi Bà Rịa. Vừa lên xe, bác tài khá lớn tuổi mang bảng tên Trần Văn Hoàng chìa ngay cho tôi chai Green Cross – dung dịch rửa tay trà xanh. Sợ chúng tôi không hợp tác, bác thuyết phục, giọng động viên: “Hai cô có đeo khẩu trang là tốt đó. Nhưng cứ phải rửa tay sát khuẩn cho an toàn. Để phòng hờ trước đó mình có sờ phải vật dụng gì có vi khuẩn. Tôi cũng lau chùi tay nắm cửa, lưng ghế trước và sau khi khách lên, xuống xe. Thời COVID này thì an toàn là trên hết cô à”.
Khi tôi hỏi lại, có phải khách nào cũng “ngoan” như chúng cháu không, bác Hoàng như được được trút nỗi lòng. Bác Hoàng giãi bày: “Cô nói đúng đó. Thời gian đầu nhiều khách khó chịu ra mặt, bảo tôi có bị gì đâu mà lau rửa. Nhưng dạo gần đây, hầu như khách đều tự giác mang khẩu trang. Thậm chí có khách lôi trong túi ra chai nước tự lau rửa tay. Rồi còn ân cần dặn tôi, bác nhớ xịt dọn xe và sát khuẩn ghế ngồi để phóng ngừa cho bác, không chủ quan, dễ nhiễm cúm lắm”.
Mà cũng đúng vậy thật, với các bác tài lái xe công cộng – nhất là xe bus và taxi thì khó có thể tính trước được là mình sẽ đón ai, đến từ đâu, có nóng sốt không. Đó là nỗi lo không nhỏ của các bác tài. Chính vì vậy mà ngành GT-VT đã có những yêu cầu bắt buộc với các đơn vị quản lý, khai thác dịch vụ xe công cộng về việc thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh phòng dịch.
Có mặt tại nhà xe Minh Phúc (phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) lúc 17 giờ 30 ngày 14/3, trước giờ xuất bến đi Hà Nội 30 phút, chúng tôi ghi nhận hình ảnh nhóm 3 anh tài xế và phụ xe đang phun dung dịch khử khuẩn khoang xe, hành lý khách ký gửi. 6 khách của hành trình này nhanh chóng được nhà xe hỗ trợ khai báo tình trạng sức khỏe, đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước rửa tay khô và đeo khẩu trang do nhà xe trang bị.
Bà Võ Thị Thu, chủ xe Minh Phúc cho biết, đơn vị này có 8 xe, mỗi xe theo quy định đón 45 khách, xuất bến 1 chuyến/ngày. Từ ngày dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu khách đi lại giảm hẳn, chỉ còn từ 5 đến 10 khách/chuyến, song nhà xe vẫn duy trì lịch xuất bến mỗi ngày để giữ mối khách. Việc lập danh sách, địa chỉ, số điện thoại, nơi đi, nơi đến của khách vẫn duy trì. Nhưng nay phải thêm phần kiểm tra thân nhiệt và theo dõi sức khỏe trong suốt hành trình cho cả khách và anh em tài xế, phụ xe. “Tài xế không được dừng, nghỉ, đón khách tại những tỉnh, thành đã có người mắc bệnh. Khi dừng trả khách hoặc vào bến nghỉ ngơi, tài xế, phụ xe không được di chuyển sâu vào trung tâm, nơi đông người. Nếu thấy có dấu hiệu sốt, ho, mệt mỏi phải báo về ngay với chủ xe để được hỗ trợ y tế kịp thời”, bà Thu nói.
Hệ thống xe bus cũng gia tăng việc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19. Toàn bộ 23 xe bus số 4 chạy tuyến Vũng Tàu-Bình Châu đều được dán bảng về các phương pháp cơ bản phòng dịch COVID-19. Khẩu trang giấy và nước sát khuẩn được đặt ngay cửa lên xuống để hành khách sử dụng. Trên chuyến xe bus từ Vũng Tàu về Bình Châu, bà Minh Nguyệt (ở ấp 1, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) nói: “Qua Đài, Báo địa phương, tôi cũng biết dịch COVID-19 đang lan rộng nên cũng hơi ngần ngại khi phải đi xe bus. Nhưng khi lên xe, thấy tài xế, hành khách đều mang khẩu trang, được nhắc nhở hạn chế nói chuyện, tất cả cửa sổ xe đều mở, thoáng đãng nên tôi cũng yên tâm phần nào”.
PHÒNG DỊCH CHẶT CHẼ
Theo Sở GT-VT, từ khi chớm dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Bộ GT-VT, BCĐ Phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh, Sở GT-VT đã chỉ đạo các DN vận tải, bến xe, bến tàu thường xuyên tuyên truyền đến hành khách cách phòng tránh dịch, bảo vệ sức khỏe, phối hợp với ngành y tế khử trùng tiêu độc phương tiện, bến bãi, nhất là phương tiện đi qua vùng có dịch như: Hà Nội, Huế, Khánh Hòa, TP.Hồ Chí Minh… Cán bộ, nhân viên bến xe, bến tàu, lái xe, phụ xe và hành khách đều phải đeo khẩu trang. Việc vệ sinh, tẩy rửa sát khuẩn bãi đậu, phòng chờ, phòng vé cũng được thực hiện thường xuyên.
Tuy nhiên trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với hành khách đi trên phương tiện giao thông công cộng, ngành GT-VT tiếp tục chỉ đạo các bến xe, bến tàu, DN vận tải và hành khách nêu cao tinh thần phòng, chống dịch.
Thống kê từ Sở GT-VT, toàn tỉnh có gần 3.000 xe chạy các tuyến cố định trong cả nước, xe hợp đồng, taxi, xe bus. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng hành khách xuất và về bến giảm mạnh, khoảng 50% so với cùng kỳ; sản lượng hàng hóa vận chuyển cũng giảm 25%. |
“Sở tiếp tục yêu cầu các bến xe, DN vận tải khách tăng cường vệ sinh, khử khuẩn bến bãi. Chủ động các biện pháp bảo hộ cá nhân cần thiết. Khuyến cáo không tập trung đông người đón, tiễn tại các bến xe, bến tàu. Không chở hàng cấm, động vật sống. Phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thực hiện kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 gây ra để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan”, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT nhấn mạnh.