* Virus COVID-19 lây lan như thế nào?
- Virus này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây truyền từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.
Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm vi rút khi xử lý các chất thải của người bệnh.
* Những triệu chứng và biến chứng mà COVID-19 có thể gây ra?
- Các triệu chứng của bệnh nhân mắc COVID-19 từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 02 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, COVID-19 gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi và có thể nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh nền.
* Nhóm độ tuổi nào dễ bị mắc chủng mới của vi rút COVID-19?
- Người dân ở mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc chủng mới của vi rút COVID-19. Tuy nhiên, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính (như hen phế quản, tiểu đường, bệnh tim mạch,…) sẽ dễ bị mắc và bệnh thường nặng hơn.
* Làm thế nào giúp tôi có thể bảo vệ bản thân?
- Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona nCoV, mỗi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh mà Bộ Y tế đã khuyến cáo gửi tới mỗi người dân qua tin nhắn, các tờ rơi tuyên truyền, tại các cơ sở y tế, nơi công cộng….
* Những khuyến cáo nào khi tôi có lịch trình đi lại, du lịch?
- Tránh đi lại, du lịch nếu bạn đang có các triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở. Cần đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng kể trên. Hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.
* Lưu ý quan trọng để phòng, chống lây nhiễm COVID-19
- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm; Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết.
* Làm thế nào để kiểm tra một người có nhiễm COVID-19?
- Các kiểm tra chẩn đoán chính xác COVID-19 chỉ có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm. Kỹ thuật xác định chủng COVID-19 đó gồm kỹ thuật Giải trình tự gene thế hệ mới (Next Generation Sequencing - NGS) và kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm COVID-19, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định.
* Các chuyên gia y tế chăm sóc sức khoẻ và các cơ sở y tế cần làm gì?
- Về nguyên tắc điều trị bệnh, các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh. Ca bệnh cần nhập viện theo dõi và cách ly hoàn toàn. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh vì vậy chủ yếu điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có).
MINH THIÊN
(Tổng hợp)