Thuyền giấy

Thứ Bảy, 22/02/2020, 07:06 [GMT+7]
In bài này
.

Khi có một tờ giấy trắng trước mặt, bạn sẽ làm gì? Hít hà mùi thơm giấy mới, chép lên đó bài thơ, ca khúc mà bạn thuộc hay vẽ một bức tranh? Tôi sẽ gấp thành chiếc thuyền giấy. Chắc hẳn ai cũng ít nhất một lần gấp thuyền giấy. Còn với tôi, thuyền giấy bồng bềnh trôi rợp cả những năm tháng tuổi thơ. Người dạy tôi gấp chiếc thuyền giấy đầu tiên là bà ngoại.

Bố mẹ đi làm xa, gửi tôi ở nhà bà ngoại. Bà bón cho tôi từng miếng cơm, cả đêm hè thao thức quạt cho tôi ngủ, cõng tôi trên lưng tất tả chạy cơn mưa bất chợt đổ xuống trên con đường đi học về, đội cả trưa hè nắng như đổ lửa để nhường tôi chiếc nón mê…

Bà kể cho tôi nghe hàng trăm câu chuyện bắt đầu bằng “ngày xửa, ngày xưa…”. Bà dạy tôi cách làm diều, bện búp bê từ rơm, gấp thuyền giấy… Bà nói: “Chỉ cần cháu viết điều ước, tâm sự lên chiếc thuyền giấy và thả trôi theo dòng nước. Thuyền giấy sẽ chở chúng đến với người mà cháu muốn gửi dù họ ở xa đến như thế nào”.

Có lẽ vì thế tôi rất thích gấp thuyền giấy. Tôi hì hụi viết lên thuyền giấy từ chuyện bị một anh lớp trên bắt nạt, giành mất chiếc bánh mì đang ăn dở, chuyện bị bố đánh oan vì thằng bạn hàng xóm làm vỡ chậu cây hoa giấy trước sân, chuyện cả đêm không ngủ nằm khóc nhớ mẹ…

Sau đó, tôi đem thả trên mương nước nhỏ ngoài ngõ. Nó men theo dọc cánh đồng dẫn ra sông Hóa – con sông vắt ngang làng tôi. Tôi tin những chiếc thuyền giấy sẽ chu du ra đến biển lớn và đem những tâm sự con trẻ của tôi hòa vào sóng lớn.

Khi những rung động đầu đời khẽ ngân vang trong trái tim tuổi mười bốn, mười năm, chiếc thuyền giấy lại chở những tâm sự đơn phương cô bạn lớp bên. Cô bé ấy có khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt long lanh như sương sớm. Rồi cả tan vỡ thật đẹp khi nhìn thấy cô bé ấy nhận đóa hoa hồng từ một anh chàng đẹp trai trước cổng trường.

Bà mất. Nước mắt của tôi ướt đẫm cả quãng đường về quê dài trăm cây số. Điều làm tôi hối hận và day dứt nhất, đó là suốt một tháng trời bà ốm liệt giường, tôi không sắp xếp công việc để về thăm bà. Tôi cứ mãi tự trách mình sao tham công tiếc việc, sao vô tâm đến thế?

Chiều nay, tôi viết hết những dòng này vào chiếc thuyền giấy rồi đem thả ra dòng sông trước khu nhà trọ của tôi. Tôi đã đủ trưởng thành để hiểu rằng nó sẽ chẳng chu du ra biển lớn, chẳng chở nổi tâm sự của tôi, chẳng bơi được sang thế giới bên kia và đến bên bà. Thế nhưng tôi tin bà sẽ đọc được những dòng này, tin bà sẽ vẫn bên tôi.

Nhắc lại tuổi thơ, có người nhớ đến những món ăn mang hương vị của ký ức, có người rưng rưng khi chạm vào những kỷ niệm đã loang lổ màu thời gian, có người khẽ mỉm cười khi nhớ lại những trò nghịch dại. Còn tuổi thơ tôi chòng chành trên chiếc thuyền giấy nhỏ bởi nó mang cả bóng hình tấm lưng còng của bà.

ĐÀO MẠNH LONG

 
;
.