Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, việc nâng cao sức đề kháng cho trẻ là hết sức quan trọng. Trong đó, sữa mẹ là một thực phẩm giàu kháng thể chống lại vi khuẩn, virus gây bệnh, tăng cường hệ miễn dịch bảo vệ trẻ trước dịch bệnh.
Điều dưỡng Bệnh viện Bà Rịa hướng dẫn sản phụ cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh. |
KHÁNG THỂ TRONG SỮA MẸ CHỐNG LẠI VIRUS GÂY BỆNH
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sữa mẹ và đặc biệt là sữa non có chứa những chất dinh dưỡng thiết yếu đối với sự phát triển của trẻ. Sữa non có khả năng diệt vi khuẩn, virus gây bệnh và điều hòa hệ miễn dịch giúp cơ thể trẻ chống lại bệnh tật, phát triển và khỏe mạnh.
Trong sữa non có chứa các thành phần hòa tan và thành phần tế bào. Thành phần hòa tan bao gồm immunoglobulin (IgA - IgM IgG), lysozyme, lactoferrin, nhân tố nhị phân, các enzym và các chất điều khiển miễn dịch khác. Thành phần tế bào bao gồm macrophage (chứa IgA, lysozyme và lactoferrin), tế bào lympho, bạch cầu hạt trung tính và các tế bào biểu mô. Các thành phần này tập trung rất cao ở sữa non và giảm đi ở sữa mẹ trưởng thành.
IgA trong sữa mẹ có tác dụng bao phủ niêm mạc ruột, ngăn cản các mầm bệnh thâm nhập vào. Lysozyme là một enzym có đặc tính tiêu diệt vi khuẩn và chống lại một số virus, ở sữa mẹ có hàm lượng lớn hơn 5.000 lần so với sữa bò. Lactoferrin là một loại glycoprotein bọc sắt chưa bão hòa, bảo vệ sắt chống lại các vi sinh vật sống phụ thuộc sắt, do đó đây là loại kìm khuẩn. Lactoferrin trong sữa mẹ chịu được những hoạt động phân giải protein mà các loại sữa công thức hiện nay không làm được...
Sữa mẹ có thể truyền kháng thể chống dịch bệnh do virus mà người mẹ đã có cho con. Điều này đã được khoa học chứng minh ở một số bệnh, chẳng hạn như bệnh sởi. Theo bác sĩ Hà Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, người mẹ có kháng thể miễn dịch sởi thì sẽ truyền cho con trong lúc mang thai và trong thời kỳ cho con bú. Do đó, trẻ dưới 9 tháng tuổi sẽ không bị mắc bệnh sởi nếu được hưởng kháng thể miễn dịch sởi từ mẹ. Các bà mẹ chưa có kháng thể sởi có thể tiêm ngừa sởi ngay trong thời gian cho con bú, để dùng cơ thể mình tạo và truyền kháng thể cho con. Mẹ tiêm ngừa sau 24 giờ sẽ có kháng thể miễn dịch sởi. Sữa mẹ sau đó mới có thể truyền kháng thể sang con nếu trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn từ 6 tháng trở lên. Từ 9 tháng tuổi, trẻ cần được tiêm vaccin phòng sởi, để tăng hiệu quả miễn dịch hoàn toàn.
CHO TRẺ DÙNG SỮA MẸ ĐÚNG CÁCH
Vì những lý do nói trên, theo lời khuyên của các bác sĩ, các bà mẹ nên cho trẻ dùng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Tuy nhiên, các bà mẹ cần chú ý khi trẻ trong độ tuổi từ tháng thứ 6 trở đi, nồng độ các kháng thể trong sữa mẹ giảm xuống. Do vậy, ngoài sữa mẹ trẻ cũng cần được tạo thêm kháng thể qua tiêm phòng vaccin, sử dụng một số thực phẩm để bảo vệ và tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại được mọi bệnh tật và duy trì sức khỏe tốt. Nếu có điều kiện, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng các loại sữa công thức chứa thành phần sữa non, các loại thực phẩm chức năng chứa men vi sinh. Khi sử dụng các loại thực phẩm này, cha mẹ nên tham khảo tư vấn ý kiến từ các bác sĩ nhi khoa, các chuyên gia dinh dưỡng, để bảo đảm việc sử dụng phù hợp với thể trạng của trẻ, đem lại lợi ích tốt nhất.
Ngoài ra, theo bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bà Rịa, để giúp trẻ tăng sức đề kháng, ngoài việc cung cấp thức ăn đủ năng lượng cho trẻ, còn cần phải bổ sung vitamin, khoáng chất. Các bà mẹ nên chế biến cho trẻ trong bữa ăn các nhóm thực phẩm cung cấp vitamin A, C như quả gấc, đu đủ, xoài, nước cam, chanh… Tại Bà Rịa-Vũng Tàu có sẵn các thực phẩm từ hải sản, đây là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho trẻ mà các bà mẹ nên tận dụng chế biến hằng ngày trong bữa ăn của trẻ, để giúp trẻ bổ sung kẽm, canxi, vitamin… Đối với những trẻ có sức khỏe bình thường, để cải thiện tình trạng biếng ăn, cha mẹ cần tạo lập chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn uống khoa học cho trẻ để giúp hệ tiêu hóa tăng hấp thu, tăng cường cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu hóa như: sữa chua, rau xanh, chuối, khoai lang.
Bài, ảnh: MINH THIÊN