Ngôi chùa độc đáo của người Khmer

Thứ Năm, 13/02/2020, 21:00 [GMT+7]
In bài này
.

Chùa Nam Sơn, còn gọi là chùa Khmer, tọa lạc trên sườn Núi Lớn tại địa chỉ 33/18, Trần Xuân Độ, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu. Đây là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khmer ở BR-VT và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Một bức tượng đầu người 4 mặt ở chùa Nam Sơn.
Một bức tượng đầu người 4 mặt ở chùa Nam Sơn.

Từ đường Trần Xuân Độ, đi bộ khoảng 300m theo con hẻm bê tông nhỏ hẹp, dốc đứng hướng lên núi sẽ gặp đoạn đường bậc thang rộng hơn 1m. Để lên tới chánh điện chùa Nam Sơn, chúng tôi phải chinh phục 280 bậc thang. 

Nét độc đáo ở chỗ 2 bên bậc thang được che chắn bằng 2 hàng lan can. Trên đỉnh các cột trụ lan can là những bức tượng 4 mặt bằng xi măng, giống như tượng 4 mặt các vị thần ở đền Bayon (Angkor Thom, Campuchia). 300 bức tượng kiểu này được gắn dọc lối đi và chung quanh chùa, với những hoa văn, họa tiết tinh tế của văn hóa Khmer. Đường lên chánh điện xuyên giữa vạt rừng xum xuê, xen lẫn những cây sứ đại thụ. 

Thượng tọa Quách Thành Sattha, trụ trì chùa Nam Sơn đi vắng. Tiếp chúng tôi là tu nữ Phước Thiện (tên khai sinh Quách Thị Ngọc Điệp, chị của Thượng tọa Quách Thành Sattha). Tu nữ Phước Thiện kể, vào những năm 40 của thế kỷ trước, nơi đây có ngôi chùa nhỏ, do một nữ tu sĩ dựng lên. Sau khi cụ viên tịch, cha của tu nữ Phước Thiện và Thượng tọa Quách Thành Sattha quản lý ngôi chùa này. Năm 1996, chùa được xây dựng lại khang trang, rộng rãi như bây giờ.

Lối lên chánh điện chùa Nam Sơn là những bậc tam cấp chạy dài theo dốc núi. Ảnh: LƯU LY
Lối lên chánh điện chùa Nam Sơn là những bậc tam cấp chạy dài theo dốc núi. Ảnh: LƯU LY

Tu nữ Phước Thiện dẫn chúng tôi đi vãn cảnh quanh chánh điện. Chúng tôi dễ dàng nhận ra sự khác biệt của chùa Nam Sơn với các ngôi chùa khác ở Vũng Tàu. Ở đây, từng mái hiên, từng trụ cột đều chạm trổ hoa văn hình các nữ thần  với kỹ xảo tinh tế, không thể pha trộn với phong cách kiến trúc của các ngôi chùa Việt truyền thống. 

Cũng theo lời kể của tu nữ Phước Thiện, hiện nay đồng bào Khmer ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng hơn 3.900 người, với 400 hộ gia đình sống rải rác ở TP. Vũng Tàu và các địa phương khác. Từ khi Thượng tọa Quách Thành Sattha về đây trụ trì, ngài đã mở các buổi thuyết giảng kinh Phật, tổ chức nhiều lễ hội theo phong tục văn hóa Khmer như Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ dâng y Kathina…

Theo quan niệm của đồng bào Khmer, Tết Chôl Chnăm Thmây là dịp đón mừng năm mới, mừng tuổi mới, tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt. Hàng năm Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch. Người Khmer thường tập trung đón Tết tại Chùa. Đây là nét đẹp văn hóa mang tính cộng đồng. Trước Tết khoảng một tuần, các ngôi chùa của người Khmer như bừng lên sức sống mới. Tượng Phật, chánh điện, cổng chào được sơn son thiếp vàng. Khuôn viên chùa trang hoàng đèn hoa lộng lẫy. 

Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra trong 3 ngày, hầu hết các hoạt động lễ hội đón Tết đều được tổ chức tại chùa. Ngày thứ nhất gọi là Maha Songkran, mọi người đến chùa dâng hương, cúng tế tổ tiên. Vào ngày này, người Khmer thường dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng, tắm vào buổi chiều, rửa chân vào buổi tối. Ngày thứ hai gọi là Virak Wanabat, ngày làm từ thiện giúp đỡ người nghèo khó, bất hạnh. Ngày thứ ba gọi là Tngay Leang Saka, ngày mọi người dùng nước thơm để tắm Phật, còn trẻ nhỏ dùng nước thơm tưới lên các bậc tiền bối. Người Khmer quan niệm rằng, làm như thế sẽ đem đến sự trường thọ và hạnh phúc. Đây cũng là ngày quan trọng nhất, bởi được xem là ngày trả lễ, báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên, cũng như Trời Phật. Ai vắng mặt vào ngày này sẽ được xem như chưa đi chùa, chưa hành lễ báo hiếu tổ tiên, chưa xóa bỏ nợ nần.

TRẦN QUANG VINH

;
.