Để phòng chống dịch COVID-19, HS được cho nghỉ học trong thời gian dài. Nhằm giúp HS củng cố kiến thức, nhiều GV đã chủ động triển khai các hình thức hỗ trợ các em ôn tập, trong đó có giải pháp dạy học trực tuyến.
Cô Nguyễn Thị Thảo Nguyên (GV môn Toán, Trường THCS Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) dạy trực tuyến tại nhà. |
LỚP HỌC SINH ĐỘNG
8 giờ 30 phút sáng 25/2, cô Nguyễn Thị Thảo Nguyên (GV môn Toán, Trường THCS Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) bắt đầu buổi dạy học trực tuyến cho 39 HS lớp 7.1. Trước đó 1 ngày, cô đã dặn HS chuẩn bị đầy đủ đồ dùng thiết bị cho buổi học. Nhờ đó, gần 100% HS tham gia học trực tuyến. Bài giảng được cô thiết kế trên phần mềm Microsoft 365 và Zoom, có sự tương tác giữa người học và người dạy nên không khí lớp học khá sinh động.
Mở đầu buổi học, cô Nguyên cho HS tham gia trò chơi đoán ô chữ liên quan những kiến thức đã học. Ai đoán đúng sẽ được thưởng 0,25 điểm cộng vào bài kiểm tra thường xuyên. Sau đó, cô ôn lại phần lý thuyết, giao và sửa bài tập cho HS ngay trong buổi học. Cô Nguyên nhận xét, việc dạy học trực tuyến có nhiều ưu điểm như: Củng cố kiến thức cho HS; GV và HS có sự tương tác nên HS có thể tham gia phát biểu hay đặt câu hỏi để GV giải đáp. “Buổi học chủ yếu nhằm ôn kiến thức cũ cho HS, nhưng các em rất hào hứng với cách học này. Nhờ tất cả học sinh đều có thiết bị kết nối internet (máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh) nên việc học trực tuyến trong thời gian nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19 khá hiệu quả”, cô Nguyên nói.
Từ khi phải nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, em Nguyễn Vũ Ngân Khánh (lớp 7.1, Trường THCS Nguyễn An Ninh) và các bạn trong lớp không được gặp nhau. Vì vậy, việc GV tổ chức dạy học trực tuyến khiến em rất hào hứng. Ngân Khánh cho hay: “Qua từng tiết học trực tuyến, em nắm chắc kiến thức cũ và làm được nhiều bài tập nâng cao. Không đi học ở trường nhưng các buổi học trực tuyến đã giúp em được gặp gỡ GV và bạn bè, giúp em bớt nhớ trường lớp hơn”.
NÂNG CAO NĂNG LỰC SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ
Dạy học trực tuyến không chỉ là hình thức học tập mới, tạo hứng thú cho HS mà qua đó GV còn có dịp nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy.
Cô Ngô Thị Bích Diệp (GV môn Toán, Trường THCS Trần Phú, TP. Vũng Tàu) cho biết, hiện nay có nhiều phần mềm ứng dụng vào giảng dạy. Trong khoảng thời gian HS nghỉ học do dịch COVID-19, cô Diệp đã sử dụng phần mềm Kahoot thiết kế bài giảng trực tuyến cho HS. Để sử dụng phần mềm này, cô Diệp phải tạo tài khoản, thiết kế các bộ câu hỏi trắc nghiệm, cho HS trả lời, kiểm tra kết quả làm bài của HS… Theo cô Diệp, phương pháp dạy học trực tuyến đòi hỏi GV phải dành nhiều thời gian thiết kế bài giảng nên vất vả hơn tiết dạy tại lớp. Một tiết học có thời gian khoảng 40 phút nhưng cô phải dành từ 1-2 giờ để soạn giáo án. Cô cho rằng, một tiết dạy thành công còn phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và sử dụng công nghệ, GV chiếm 70%, còn 30% phụ thuộc vào học trò. Do vậy, GV phải am hiểu, có kỹ năng sử dụng phần mềm để tổ chức bài học trực tuyến phù hợp cho HS. Để tiết học diễn ra sôi nổi, thoải mái, GV phải linh hoạt tổ chức các hoạt động vừa học vừa chơi, giải trí nhằm thu hút HS. “Qua từng tiết dạy trực tuyến, tôi thấy khả năng ứng dụng công nghệ của mình ngày càng được nâng cao. Tôi đã có thể biết sử dụng kết hợp nhiều phần mềm để tạo ra những nội dung bài học phù hợp, hấp dẫn HS”, cô Diệp cho hay.
Cô Nguyễn Thị Sông Thương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh cho biết, sau khi ngành GD-ĐT có văn bản chỉ đạo các trường học hướng dẫn HS ôn tập bài để các em tự học ở nhà trong thời gian nghỉ vì dịch COVID-19, nhà trường đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn GV dạy học trực tuyến. Đến nay, nhiều GV các bộ môn: Toán, ngữ Văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học của trường đã dạy trực tuyến cho HS. Các GV đăng ký thời khóa biểu học trực tuyến cụ thể từng môn để phân chia thời gian học trong ngày cho hợp lý.
“Trong thời gian HS nghỉ học do dịch COVID-19, GV Trường THCS Nguyễn An Ninh đã nỗ lực học hỏi, sử dụng các phần mềm để thiết kế bài dạy trực tuyến cho HS. Điều này đã nhận được ủng hộ, đồng tình và khen ngợi của phụ huynh. Trong bối cảnh dịch bệnh, HS nghỉ ở nhà thì việc dạy học trực tuyến vẫn mang lại hiệu quả hơn cả”, cô Sông Thương nói.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG