.

Gia đình - Điểm tựa cho người bệnh tâm thần hòa nhập cộng đồng

Cập nhật: 20:13, 10/02/2020 (GMT+7)

Bệnh viện (BV) Tâm thần tỉnh hiện đang quản lý và điều trị cho khoảng 3.800 bệnh nhân mắc các bệnh lý tâm thần. Việc quản lý, điều trị ở bệnh viện đã đạt nhiều kết quả tốt nhưng việc tái hòa nhập cộng đồng của bệnh nhân sau khi điều trị ổn định còn nhiều “rào cản”.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Nam, BV Tâm thần tỉnh.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Nam, BV Tâm thần tỉnh.

98% BỆNH NHÂN ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ ỔN ĐỊNH 

N.Y., 25 tuổi ở TP.Vũng Tàu tốt nghiệp ĐH Ngoại thương TP.Hồ Chí Minh và được nhận vào làm việc ở một ngân hàng. Đang làm việc và sinh sống bình thường, một ngày N.Y. bỗng dưng cảm thấy chán nản, sợ hãi, không muốn tiếp xúc với người xung quanh. Trong đầu cô luôn vẳng lên những tiếng khóc, gào thét của trẻ nhỏ khiến cô lo sợ, bứt rứt. Cô buộc phải nghỉ làm và tự nhốt mình trong phòng kín. Thấy con có biểu hiện lạ, mẹ Y. đã đưa cô đến BV Tâm thần tỉnh để khám. Kết quả, Y. được chẩn đoán bị tâm thần phân liệt, phải nhập viện. Sau 1 tháng điều trị, Y. được cho xuất viện và tiếp tục uống thuốc điều trị tại gia đình. Nhờ đó, Y. đã hồi phục khá tốt, hiện cô đang tìm kiếm một công việc mới.

N.Y. là một trong số hàng ngàn trường hợp bệnh tâm thần đã được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, thông qua công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, một trong những hoạt động của chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng (CSSKTTCĐ) tỉnh do BV Tâm thần tỉnh phụ trách.

Bác sĩ Nguyễn Thành Phong, Giám đốc BV Tâm thần tỉnh cho biết, người mắc các bệnh lý tâm thần nếu phát hiện và điều trị sớm sẽ có hiệu quả cao. Do đó, hằng năm BV đều tổ chức các đợt khám sàng lọc để phát hiện bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng. Sau khi khám phát hiện, bệnh nhân được quản lý và điều trị tại cộng đồng. Những bệnh nhân nặng được chuyển đến BV Tâm thần tỉnh điều trị nội trú… Tính đến nay, chương trình đã quản lý và điều trị gần 4.000 bệnh nhân, trong đó hơn 3.800 bệnh nhân điều trị ổn định, đạt tỷ lệ 98%.

Theo thống kê của BV Tâm thần tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 3.911 bệnh nhân mắc các bệnh lý về tâm thần đang được quản lý điều trị; trong đó có 1.734 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.486 bệnh nhân động kinh. Riêng trong năm 2019, BV phối hợp với y tế cơ sở tổ chức khám sàng lọc và phát hiện thêm 129 trường hợp mắc bệnh tâm thần trong cộng đồng; trong đó, 34 trường hợp mắc bệnh tâm thần phân liệt.

CẦN SỰ HỖ TRỢ TỪ GIA ĐÌNH

Mục tiêu CSSKTTCĐ là hướng tới bệnh nhân tâm thần có thể được chăm sóc hòa nhập ngay tại cộng đồng. Tuy nhiên, một trở ngại trong công tác điều trị bệnh nhân tâm thần là tình trạng bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị. Bác sĩ Ngô Thành Phong cho hay, rối loạn tâm thần được coi là một bệnh mãn tính cần phải điều trị lâu dài. Những trường hợp bệnh nặng, sau khi điều trị nội trú ổn định, phải tuân thủ việc uống thuốc và tập luyện đều đặn tại nhà theo chỉ định của bác sĩ thì mới có thể kiểm soát bệnh không tái phát và tái hòa nhập cộng đồng tốt.

Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân tâm thần bỏ điều trị hoặc không tuân thủ điều trị vẫn tiếp diễn. Nguyên nhân là do bệnh nhân thiếu sự quan tâm chăm sóc từ phía gia đình, người thân. Bản thân người bệnh thường mặc cảm, không muốn chấp nhận việc mình đang bị bệnh tâm thần.

Hiện, BV Tâm thần tỉnh đang quản lý điều trị cho hơn 4.000 bệnh nhân tâm thần. Trong số đó, hơn nửa là bệnh nhân tâm thần phân liệt và có đến gần 5% bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị. Hành động này lặp đi lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến kháng thuốc, khiến cho việc điều trị lâu dài và khó khăn hơn rất nhiều. Nguy hiểm hơn là việc bỏ dở điều trị khiến bệnh tái phát gây ra hoang tưởng, ảo giác cho người bệnh và có những hành vi gây hại cho người khác và cho chính mình.

Bên cạnh đó, số lượng bệnh nhân tâm thần được phát hiện quản lý, điều trị ngày càng nhiều nhưng điều kiện nhân lực còn hạn chế, khiến cho công tác quản lý, chăm sóc điều trị bệnh nhân gặp khó khăn. Bác sĩ Phong dẫn chứng: “BV thiếu 25 bác sĩ so với nhu cầu. Trong khi lượng bệnh nhân điều trị nội trú hiện nay đã quá tải, BV phải kê 210 giường bệnh, vượt công suất 60 giường”.

Để chương trình CSSKTTCĐ đạt kết quả mong muốn, những khó khăn nêu trên cần sớm được giải quyết, đặc biệt là nâng cao nhận thức của gia đình trong việc hỗ trợ người bệnh tái hòa nhập cộng đồng.

“Hiện nay, BV đang áp dụng các liệu pháp phục hồi chức năng tâm lý xã hội giúp bệnh nhân tâm thần sau khi điều trị ổn định có thể hòa nhập cùng gia đình và xã hội. Tuy nhiên, để những liệu pháp này đạt hiệu quả, BV cần sự phối hợp của gia đình hỗ trợ bệnh nhân tiếp tục tập luyện các bài tập trong liệu trình điều trị tại nhà. Vì vậy, chúng tôi đang tăng cường công tác truyền thông, tư vấn để các gia đình thấy được tầm quan trọng và lợi ích của việc hỗ trợ bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng”, bác sĩ Phong nói.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.