Từ nay, vợ được… quản lý tiền của chồng?

Thứ Bảy, 04/01/2020, 07:10 [GMT+7]
In bài này
.

Năm hết, Tết đến. Sắp đến Tết cổ truyền rồi. “Đùng một cái” không ít quý ông choáng váng bởi… cái sự quy định của Bộ luật Lao động! Rằng kể từ ngày 1/1/2020, “tiền lương của chồng có thể được chuyển thẳng vào tài khoản vợ”. Thế đấy, oái oăm chưa? 

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Oái ăm quá đi chứ. Đã đàn ông đàn ang khi vừa cất tiếng khóc lọt lòng đã hình thành tính cách thích đi Đông đi Tây, tung tăng ngang dọc xa gần, chứ không thèm ru rú trong nhà, chỉ biết mỗi cơm nhà…, do đó, có biết bao chi phí phải lo toan. Muốn được thế, chẳng lẽ bước ra đường với cái túi rỗng?. “Có tiền thì khôn như rái, không tiền dại như vích”. Vì lẽ đó, với đồng tiền làm ra họ phải nắm giữ và hoàn toàn chủ động trong việc tiêu xài. 

Này tiền thù tạc với nhiều mối quan hệ ngoài xã hội với đồng nghiệp… này tiền thỉnh thoảng “viện trợ” cho cha mẹ, anh em. Nói tóm lại, với các lý do chính đáng trên, một khi có thu nhập thế nào thì người đàn ông trụ cột trong nhà phải được toàn quyền xử lý. 

Hỡi ôi, thế mà nay lại có quy định “chết tiệt” kia khiến nhiều người khi hay tin, chẳng khác gì sét đánh ngang tai. Choáng luôn là phải. Bởi vì rằng, căn cứ vào đây, tôi đồ rằng ắt có không ít bà vợ thỏ thẻ bên chồng lúc chăn êm nệm ấm cứ như mật rót vào tai: “Ngày mai anh ủy quyền cho em nhá?”. Sở dĩ họ thốt ra câu nói ấy, đơn giản chỉ vì muốn quản lý tài chính trong nhà, của chồng công vợ, chứ đàn ông thường “trẻ người non dạ” (?), hễ có tiền lúc cao hứng lại vung vít vô tội vạ, hoang phí lắm. Suy nghĩ này, chẳng có sai, còn hợp lý nữa là khác. Quy định trên đã “bật đèn xanh”, vậy hà cớ gì không vận dụng? 

Rơi vào tình huống này, tất nhiên, chẳng người chồng nào gật đầu cái rụp, họ bèn tìm cách đánh trống lảng, hoãn binh ngay tắp lự. Thế là các cô, quý bà chịu thua à? Sức mấy mà thua. Để rồi xem. “Ủy quyền thì ủy quyền” là câu cuối cùng để “chốt” cuộc tranh cãi. 

Thốt ra câu nói hiên ngang ấy, hoành tráng ấy, thế là “xong phim”. 

Từ rày về sau, khó có thể tự tung tự tác nữa đấy nhé. Chi tiêu những gì, thu nhập cụ thể ra sao khó có thể xông xênh như trước. Muốn gì, phải thông qua “cơ chế xin-cho” theo “đúng quy trình”, chứ không thể ngẫu hứng như trước. “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu”, nhiều đấng đàn ông ngửa mặt nhìn mây trắng bay trên đầu trông rất ư thong dong tự tại, đầy bản lĩnh nhưng sau đó lại len lén… tặc lưỡi thở dài, cất lên tiếng ca não nùng: “Thôi rồi, còn chi đâu em/ Có còn lại chăng dư âm thôi”.

Nói đi cũng phải nói lại. 

Thật ra cô vợ giữ tiền của chồng thì tiền vẫn còn đó, chứ mất đi đâu mà sợ. Hạnh phúc trong nhà nào cũng liên quan đến chuyện tiền nong, dù chồng giữ hoặc vợ đóng vai trò “tay hòm chìa khóa” thì điều quan trọng nhất vẫn là sự minh bạch, rõ ràng, dù người này chi tiêu nhưng người kia vẫn biết. Có như thế, cả hai mới cùng điều chỉnh miễn sao hài lòng và hợp lý. 

Thật ra, quy định này lại có cái hay là thu nhập hàng tháng của chồng từ đây, được giải quyết kịp thời. Rằng, tôi có anh bạn chuyên ngành xây dựng, quanh năm suốt tháng đeo bám những công trình xa đèo heo hút gió, tới tháng thì lương bổng đổ dồn dập vào tài khoản cá nhân. Vậy mà lúc ấy, vợ con ở nhà lại túng trước hụt sau. Vậy nên quy định kịp thời này đã mở ra hướng tháo gỡ đấy chứ.

Mà thôi, nghĩ cho cùng, tiền mình làm ra, nếu cô vợ căn cứ theo quy định này nằng nặc đòi quản lý, chuyển khoản thì cũng… tốt thôi. Cũng là để chăm con, chi tiêu trong nhà, giữ gìn mái ấm chứ rơi rớt đâu mà lo. Tôi biết nhiều người đàn ông có trách nhiệm với gia đình đã có suy nghĩ này. Đáng khen lắm. Thế nhưng… Nhưng cái gì nữa? À, biết đâu, sắp đến đây, thí dụ như vào dịp cả nước tưng bừng diễn ra… lễ hội Ngày đàn ông thì các đấng mày râu đã đệ trình lên Bộ Lao động một kiến nghị cực kỳ quan trọng: “tiền lương của vợ có thể được chuyển thẳng vào tài khoản chồng”. 

Vậy là huề 1 đều nhá. 

LÊ MINH QUỐC

 
;
.