.

Lan man về Tết "Ông Công ông Táo"

Cập nhật: 07:49, 18/01/2020 (GMT+7)

Hai mươi ba tháng Chạp là ngày Tết “Ông Công ông Táo”. Dân gian gọi thế; sách vở cũng viết thế. Tuy nhiên, theo truyền thuyết thì có vẻ không hẳn như vậy. Vì rằng, thực ra trong “tam vị” ở đây lại có... một bà.

Thì đấy, trăm sự lại ở... bà Táo: vì bà giấu chồng cũ ở đống rơm, chồng mới về không biết nên đốt rơm lấy tro bón ruộng; rồi vì vào cứu chồng cũ mà bà chết cháy; rồi thì vì yêu thương vợ nên chồng mới nhảy vào cứu bà mà chết theo. Ba người cùng chết.

Trời thương cảm tình nghĩa phu thê mà “bổ nhiệm” ba người làm Vua Bếp (Táo Quân), gọi chung là Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người một việc. Người chồng trước trông coi việc trong bếp (Thổ công); người chồng thứ hai trông coi nhà cửa (Thổ địa); còn người vợ trông coi việc chợ búa (Thổ kỳ). Nhân đó mà dân gian mới có câu ca rằng:

“Thế gian một vợ một chồng

Chẳng như vua bếp hai ông một bà”.

Chả biết các dân tộc khác thế nào chứ người Việt làm đầu rau đun bếp, bao giờ cũng đánh dấu “lõm” trên đỉnh cái đầu rau đặt giữa (ấy là đánh dấu “bà”); còn nếu theo Kinh Dịch thì (bếp) lửa là quẻ Ly, gồm hai “hào” Dương trên dưới, ở giữa là “hào” Âm. Tóm lại cũng là “một bà hai ông”!

Với cái lý như đã trình bày, tôi cho rằng nếu gọi chung ba vị Vua Bếp bằng “Ông” cả thì e là... trọng nam khinh nữ đấy! Vì thế mà tôi cho rằng, cứ gọi theo “chức danh” do... Ngọc hoàng thượng đế phong thôi. Ấy là Định Phúc Táo Quân, hay gọi gọn là Táo Quân cho tiện!

Năm nào cũng thế, cứ đến 23 tháng Chạp là nhà nhà lại mua 3 con cá chép đỏ để Táo Quân làm phương tiện lên Trời “báo cáo tình hình” Hạ giới với Ngọc đế. Chợt nghĩ, sao không mua một con to to để ba ông bà cùng đi nhỉ. Nhưng mà không được, làm thế là vi phạm luật giao thông, vì trên Trời chắc cũng giống với dưới ta thôi. Vả lại, các vị đều là “chức sắc triều đình”, ai lại để ngồi chung... cá được, “báng bổ” chết, các bạn nhỉ!

Hi hi hi...

LANH NGUYỄN

.
.
.